Đại học Nhật Bản dự kiến tăng học phí đối với sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Các trường đại học quốc gia Nhật Bản dự kiến tăng học phí đối với sinh viên quốc tế sau khi chính phủ dỡ bỏ mức trần từ tháng này.

Sinh viên quốc tế lựa chọn Nhật Bản là điểm đến học tập.
Sinh viên quốc tế lựa chọn Nhật Bản là điểm đến học tập.

Cụ thể, học phí tiêu chuẩn tại 86 trường đại học quốc gia Nhật Bản được ấn định ở mức 535.800 yên mỗi năm. Các trường được phép tăng học phí lên tới 20%, đạt gần 643 nghìn yên. Sinh viên trong nước và quốc tế trả học phí bằng nhau.

Tuy nhiên, theo thông tin từ tờ Nikkei Asia, Bộ Giáo dục Nhật Bản sẽ sửa đổi sắc lệnh quản lý học phí đại học vào tháng này để huỷ giới hạn về học phí đối với sinh viên quốc tế. Sau đó, dự kiến nhiều trường đại học sẽ tăng học phí để cải thiện trải nghiệm học tập cho du học sinh.

Một quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết: “Những lợi ích dành cho sinh viên nước ngoài sẽ rất đáng kể. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc tăng học phí sẽ không khiến các em nản lòng”.

Hiện nay, các trường đại học công lập cung cấp nhiều hỗ trợ đặc biệt cho sinh viên quốc tế như học tiếng Nhật, viết luận bằng tiếng Nhật, tìm kiếm nhà ở... Những dịch vụ trên làm tăng chi phí giáo dục dành cho du học sinh dù nhóm này đang đóng học phí tương đương với sinh viên trong nước.

Khi dự thảo trên được đưa ra, các chuyên gia giáo dục đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Thomas Brotherhood, giảng viên tại Đại học Rikkyo, Nhật Bản, việc tăng học phí có thể hạn chế ứng viên quốc tế đến từ các thị trường đang phát triển nhanh như Nepal tiếp cận giáo dục Nhật Bản.

Chi phí là rào cản với sinh viên nhiều quốc gia trong khu vực, nhất là khi sinh viên châu Á đang chiếm số lượng đông đảo tại các trường đại học, cao đẳng Nhật Bản. Đơn cử, số lượng sinh viên tại Việt Nam và Nepal theo học ở Nhật Bản đang tăng nhanh hàng năm, lần lượt tăng 25% và 29% vào năm 2022.

Tuy nhiên, PGS Christopher Haswell, giảng viên Đại học Kyushu, chỉ ra nhiều sinh viên vẫn lựa chọn Nhật Bản vì chi phí tương đối phải chăng nếu so với các điểm đến hàng đầu như Anh, Mỹ. Ngoài ra, việc các trường tăng học phí cũng giúp giảm áp lực tài chính trong bối cảnh dân số suy giảm, số lượng sinh viên vào đại học thấp hơn.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các trường đại học tăng cường đầu tư vào các dịch vụ dành cho sinh viên quốc tế, bao gồm đào tạo ngôn ngữ. Nếu các trường đại học quốc gia có thể sử dụng ngân sách từ mức tăng học phí để đầu tư cho lĩnh vực này, trải nghiệm và kết quả học tập của sinh viên quốc tế sẽ được cải thiện.

Việc tăng học phí cũng phù hợp với kế hoạch thu hút sinh viên quốc tế và tạo điều kiện cho nhóm này. Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng quy định về thị thực sau đại học, cho phép sinh viên quốc tế tốt nghiệp các trường dạy nghề và cao đẳng tìm việc làm ngoài lĩnh vực học tập. Đây là chính sách mới nhất trong chuỗi chính sách giúp sinh viên quốc tế tìm việc làm tại Nhật Bản thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhất trí rằng Chính phủ Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa để giải quyết rào cản với sinh viên quốc tế như ngôn ngữ, quy trình tuyển dụng khó khăn, lương thấp nếu muốn khuyến khích nhóm này ở lại làm việc.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học phí của sinh viên quốc tế tại Mỹ cao hơn khoảng 50% so với sinh viên trong nước. Còn khoảng cách này ở Canada là 100%. Nhưng các trường đại học Mỹ, Canada cung cấp chỗ ở tốt và hỗ trợ phù hợp cho sinh viên nước ngoài nên nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho du học.

Theo Nikkei Asia, THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con được tự do khám phá và hòa mình với thiên nhiên, không ngại đất cát hay bị bẩn. Ảnh: NVCC.

Sáng tạo từ… 'nghịch bẩn'

GD&TĐ - Trẻ sáng tạo sẽ thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, đổi mới hay khám phá ra những lĩnh vực mới lạ.