Vai trò của đại học tư thục không vì lợi nhuận (KVLN) trong hệ thống đào tạo của mỗi quốc gia khác nhau do sự đa dạng đặc điểm kinh tế, xã hội, lịch sử ở mỗi nơi.
Những đại học KVLN giàu có của Mỹ do cựu SV điều hành
Với khung pháp lý được quy định rõ ràng, mô hình ĐH tư thục KVLN của Mỹ nổi danh nhất thế giới. Mỹ hiện có khoảng 4.500 trường ĐH, CĐ, thì trong đó 37% là trường tư thục KVLN, 25% trường tư thục vì lợi nhuận và 38% trường công.
Số trường vì lợi nhuận chiếm 1/4 nhưng chỉ đang đào tạo khoảng 11% số sinh viên, gây ra 44% vụ vỡ nợ, khiến năm 2015, chính quyền Mỹ buộc phải tổng thanh tra và đình chỉ một số trường. Trong khi đó, mô hình trường hoạt động KVLN đang chiếm ưu thế và uy tín. Xếp hạng của tạp chí US News & World Report cho thấy 20 trường xếp hạng cao nhất nước Mỹ đều là ĐH tư KVLN: Harvard, Princeton, Yale, Columbia, MIT, Stanford, Duke…
Năm 1636, trường ĐH KVLN đầu tiên của Hoa Kỳ được thành lập: Harvard University, và hiện là ngôi trường danh giá nhất thế giới. Harvard là mẫu mực của mô hình trường ĐH tư thục KVLN Mỹ về hoạt động gây quỹ và đầu tư, hoạt động quản lý đặc trưng, và đào tạo nghiên cứu chuyên sâu.
Năm 2015, giá trị tài sản thuần của trường là 43,2 tỉ USD, doanh thu một năm nhiều hơn tổng thu nhập quốc dân của gần một nửa số quốc gia trên thế giới. Sự giàu có của Harvard và các trường ĐH tư nổi tiếng của Hoa Kỳ đến từ các nguồn tiền đóng góp và kinh doanh.
Tài sản đóng góp như tiền hiến tặng của mạnh thường quân, cựu sinh viên, các tổ chức tư nhân, quỹ giáo dục chính phủ, tiền gây quỹ… là sức sống của các trường KVLN Hoa Kỳ. Những khoản hiến tặng, tài trợ, quà hiện vật, học phí hiện chiếm khoảng 60 - 70% nguồn thu của Harvard, phần còn lại từ hoạt động kinh doanh.
Trường cho thuê bản quyền nghiên cứu, có tạp chí kinh doanh Harvard Business Review, cơ quan xuất bản Harvard Business Publishing, công ty Harvard Management Company đầu tư lớn vào cổ phiếu, bất động sản…; tài sản đầu tư năm 2014 khoảng 35 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các trường tư thục KVLN được chính phủ Mỹ miễn thuế và nhận được nhiều hỗ trợ tài chính. Học phí không hề thấp và còn tăng nhanh hằng năm, nhưng nguồn tài chính vững chắc cho phép các trường tăng số học bổng và ưu đãi cho sinh viên.
Cơ chế quản lý của trường tư thục KVLN Mỹ khá đặc biệt. Trường đại học có hội đồng tài chính quản lý tài sản đóng góp và điều hành minh bạch chi tiêu của trường; giúp tài sản duy trì qua các thế hệ phục vụ cho trường.
Trường không có cổ đông và Đại hội đồng cổ đông hoạt động theo nguyên tắc đối vốn; mà điều hành trường thông qua một Hội đồng tín thác không quá 50 người, lựa chọn những người đại diện có uy tín: cá nhân và tổ chức đóng góp tài chính, giảng viên, cơ quan quản lý giáo dục, giới học giả, doanh nghiệp, cựu sinh viên.
Các thành viên tín thác tham gia hội đồng vì danh dự, không nhận lương, không phục vụ lợi ích nhóm cổ đông, đảm bảo trường tự quản và phát triển. Đặc biệt, từ năm 1865 đến nay, lấy cảm hứng từ Harvard, gần 20 trường ĐH tư hàng đầu của Mỹ có ít nhất 50% cựu sinh viên trong ban giám hiệu.
Ban Giám hiệu của trường ĐH Harvard, Yale và Columbia hoàn toàn do cựu sinh viên lãnh đạo - những người nhiệt tình nhất đối với mục tiêu KVLN của trường.
Trường KVLN ở Nhật Bản, Hàn Quốc được Chính phủ hỗ trợ lớn
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia châu Á chú trọng phát triển mô hình đại học tư thục KVLN, khác phần đông những nước còn lại trong khu vực. Những năm 1970 - 1990, quá trình bùng nổ dân số và phát triển vượt bậc của các quốc gia Nhật, Hàn, Đài Loan khiến nhu cầu trường tư thục tăng mạnh.
Tuy vậy, giáo dục châu Á nhìn chung được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, không có hoạt động tự chủ đặc sắc như ở Mỹ. Ở Nhật, chính phủ hầu như chỉ cho phép thành lập ĐH tư thục KVLN và không cho phép hoặc hạn chế trường ĐH vì lợi nhuận. Trong gần 800 trường ĐH ở Nhật thì có khoảng 600 trường tư thục, trong đó mãi đến năm 2004, Nhật mới cho phép thành lập 2 trường ĐH vì lợi nhuận.
Chính sách hỗ trợ của chính phủ Nhật, Hàn đối với trường tư thục khá tốt, thường xuyên cấp kinh phí nghiên cứu, gói hỗ trợ giáo dục, tài trợ tín dụng, học bổng sinh viên… Điều đó giải thích cho sự khác biệt với giáo dục tư tại Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan…, tuy cũng phát triển mạnh mẽ nhưng do chính phủ hỗ trợ hạn chế nên chủ yếu theo định hướng vì lợi nhuận, bán lợi nhuận.
Một số trường tư thục KVLN của Nhật đã lừng danh thế giới, như ĐH Waseda, ĐH Sophia, ĐH Keio…
Năm 2011, ĐH Waseda - một trong những ĐH tư thục hàng đầu châu Á - nhận được 14,4% ngân sách tài trợ từ nước Nhật, 18,6% từ các dịch vụ, lệ phí, hiến tặng...; 67% từ học phí.
Lợi nhuận không chia lời mà chi trả lương 56,1%, chi cho giáo dục và nghiên cứu 39,3%, duy tu bảo dưỡng 3,7% và các khoản khác 0,9%. Chất lượng giảng dạy và nghiên cứu vượt bậc khiến trường này có được đội ngũ cựu SV hùng mạnh. ĐH Waseda có 6 cựu sinh viên từng tại vị thủ tướng, còn trường ĐH Keio lâu đời nhất Nhật Bản (thành lập năm 1858) - có ba cựu SV là thủ tướng.
Hàng loạt giám đốc điều hành nổi tiếng trong Fortune 500 toàn cầu tốt nghiệp từ những trường này. Cựu SV không tham gia điều hành, nhưng đem lại danh tiếng để trường thu hút tài trợ và hấp dẫn SV.
Cơ chế KVLN trong giáo dục Nhật gắn với truyền thống coi trọng học vấn, tự trọng và tự hào của người Nhật. Học phí cao, nhưng ĐH Waseda có khoảng 250 chương trình học bổng hằng năm và nhiều chương trình vay vốn ưu đãi, theo nguyên tắc học phí cao - tài trợ cao.
Cũng như các trường KVLN trên thế giới, ở Nhật, tài chính của các trường đến từ nhiều nguồn và tái đầu tư cho giáo dục.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, số sinh viên khối tư thục chiếm hơn 80%. Một số trường nổi tiếng như ĐH Yonsei, ĐH Công nghệ Pohang, ĐH Hàn Quốc…
Tuy giáo dục của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng sau Thế chiến thứ 2, với sự chi phối quân sự và chính trị của Mỹ, Hàn Quốc tìm thấy những hình mẫu vận hành trường ĐH từ Mỹ. ĐH Công nghệ Pohang thành lập năm 1986 bằng vốn của tập đoàn thép POSCO, theo mô hình của Viện ĐH Công nghệ California - Mỹ.
Trường tập trung lợi nhuận cho giáo dục và nghiên cứu, theo mô hình tinh gọn, tập trung vào các ngành khoa học cơ bản và công nghệ mũi nhọn. SV ở trong học xá cạnh khu nhà ở miễn phí dành cho các giáo sư danh tiếng để toàn tâm nghiên cứu.
Tài chính dư dả của trường một phần nhờ vào hoạt động kinh doanh của POSCO (giảm dần từ 80% thời kỳ đầu, đến nay khoảng 30%), thu nhập từ nghiên cứu (40%), học phí (cân bằng ở mức 10%), đóng góp của cựu SV và hiến tặng (khoảng 5%) và một phần hỗ trợ của Chính phủ.
Năm 2009, tài sản đóng góp của trường là 2 tỷ đô, cao nhất trong các ĐH Hàn Quốc. POSTECH chịu sự chi phối mạnh mẽ từ Chính phủ và nhận được tài trợ qua những dự án thúc đẩy giáo dục như Brain Korea 21 (1999 - 2012) hay World Class University (2009 - 2012).
Hoạt động quản lý của POSTECH thông qua hội đồng tín thác, giống như các trường ở Mỹ, nhưng quy mô nhỏ hơn. Đây là một ngoại lệ trong quản lý tại Hàn Quốc, vốn chuộng kiểu quản lý gia tộc. POSTECH nằm trong 3 trường tốt nhất Hàn Quốc và top 50 trường ĐH tốt nhất toàn cầu (tạp chí Times Higher Education).
Khác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu đa phần không phát triển các trường tư thục phi lợi nhuận, do chính phủ các nước Đức, Áo, Anh, Pháp… có sự bảo trợ lớn cho giáo dục. Tuy vậy, trong vận hành, các trường ĐH của châu Âu có sự tự chủ rất cao, tương tự các trường tư thục phi lợi nhuận. Trong số các trường tư mới thành lập trong vài thập niên gần đây ở châu Âu, có những trường uy tín như ĐH Buckingham, ĐH Richmond (Anh), ĐH Bond, ĐH Notre Dame (Úc)...