Đại học Harvard: Ăn chay có thể giảm nguy cơ mắc Covid-19

GD&TĐ - Theo một bài báo trên Tạp chí Y học Lối sống Hoa Kỳ, chế độ ăn chay dựa trên thực vật có lợi ích rất tốt đối với 6 bệnh khác nhau, trong đó có Covid-19, tiểu đường, ung thư, tim mạch và béo phì.

Chế độ ăn chay dựa trên thực vật có thể hữu ích nếu bạn muốn giảm cân, tránh bệnh tiểu đường hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Chế độ ăn chay dựa trên thực vật có thể hữu ích nếu bạn muốn giảm cân, tránh bệnh tiểu đường hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Bài viết của bác sĩ Saray Stancic – Giám đốc Giáo dục y tế của Ủy ban các bác sĩ về Y học có trách nhiệm cho biết, lĩnh vực y học đã đầu tư rất ít để thúc đẩy các lựa chọn về lối sống lành mạnh. Hệ quả của điều này phản ánh trong số liệu thống kê về bệnh mãn tính ngày càng tăng, đáng chú ý là bệnh béo phì và tiểu đường.

Bài viết cho rằng, các trường y chỉ giáo dục dinh dưỡng sơ sài trong suốt 4 năm và tình trạng này không được cải thiện trong quá tình học sau đại học. Tác giả chỉ ra 90% trong số 600 bác sĩ tim mạch tham gia vào một nghiên cứu gần đây cho biết, không được giáo dục dinh dưỡng cần thiết trong quá trình đào tạo.

Bài bình luận chấp nhận việc không phải tất cả các bác sĩ đều cần phải là chuyên gia dinh dưỡng, nhưng khẳng định ít nhất họ phải có hiểu biết cơ bản về những lợi ích của chế độ ăn chay dựa trên thực vật đối với 6 vấn đề về bệnh tật mà họ đưa ra bằng chứng chi tiết dưới đây:

Giảm cân và duy trì cân nặng. Theo một nghiên cứu trên 70.000 cá nhân, những người theo chế độ ăn thuần chay có cân nặng thấp hơn 4kg so với người không ăn. Họ cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn.

Bệnh tim mạch. Các sản phẩm động vật có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, vốn là những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy người ăn chay giảm lượng cholesterol “xấu” LDL xuống 13mg/dl. Một phân tích khác cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở người ăn chay thấp hơn 24% so với người khác.

Ung thư. Áp dụng các thói quen lành mạnh như thường xuyên vận động cơ thể, ăn chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú lên 70%. Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn nhiều đậu nành và chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư vú.

Trong khi đó, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên do chế độ ăn nhiều sữa. Mặc dù tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hàng ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng nhưng chế độ ăn giàu chất xơ sẽ làm giảm nguy cơ đó.

Bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu của Đại học Harvard kết luận rằng người ăn chay có thể giảm 34% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu cho thấy người tuân thủ chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải chủ yếu dựa trên thực vật vốn tập trung vào thực phẩm bổ não như rau lá xanh và các loại rau khác, đậu, quả mọng, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt có nguy cơ mắc bênh Alzheimer thấp hơn 60%.

Covid-19. Nghiên cứu về Covid-19 dựa trên điện thoại thông minh của Đại học Harvard cho thấy người chủ yếu ăn chay (dựa trên thực vật) có thể giảm 41% nguy cơ mắc Covid-19 nặng cũng như giảm 9% nhiễm trùng ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào.

Bài báo kết luận, đã đến lúc tất cả các bác sĩ trên toàn thế giới phải nói lên tầm quan trọng của chế độ ăn uống và lối sống đối với sức khỏe. Các bác sĩ làm điều này bằng cách tư vấn cho bệnh nhân, đảm bảo các bệnh viện cung cấp thực đơn lành mạnh và tuyên truyền trong cộng đồng về vấn đề này.

Theo Scitech Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ