Để đáp ứng nhu cầu của tương lai, các trường đại học châu Á đang tích cực chuyển đổi sang mục tiêu xanh.
Xu hướng mới
Giáo dục xanh là xu hướng của hệ thống giáo dục đại học vì mục tiêu phát triển bền vững (ESD). Đây là phương pháp giáo dục tập trung vào việc bảo vệ môi trường, tạo ra thế giới công bằng về mặt sinh thái và xã hội, xây dựng trách nhiệm cho các cá nhân và cộng đồng trong việc giải quyết những vấn đề của thế giới.
Đại học Nottingham Trent là một trong những trường đại học đầu tiên tích hợp Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) vào giảng dạy và được công nhận là ví dụ hàng đầu về một tổ chức giáo dục bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Cán bộ nhân viên, sinh viên nhà trường được khuyến khích tham gia thử thách và tích điểm trên ứng dụng NTU Green Rewards. Nhà trường cho sinh viên thuê xe đạp với giá 49 bảng mỗi năm để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Phương pháp đào tạo ESD là lồng ghép các nội dung như biến đổi khí hậu, nghèo đói hay tiêu dùng bền vững vào chương trình giảng dạy với người học là trung tâm. Các trường đại học cũng trở thành “tấm gương” thực hiện các biện pháp phát triển bền vững trong khuôn viên.
Trên thế giới, việc xây dựng mô hình giáo dục xanh trong trường đại học đã bắt đầu từ những năm 2000. Điểm chung của các trường là chú trọng xây dựng cơ sở vật chất có yếu tố thiên nhiên, hạn chế tiêu hao năng lượng, xả thải ra môi trường.
Đơn cử, Đại học Wageningen, Hà Lan, được xếp hạng là trường đại học thân thiện với môi trường nhất kể từ năm 2017. Nhà trường sở hữu khuôn viên xanh, sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ.
Vào mùa Hè, tòa nhà được làm mát bằng nước bơm lên từ mặt đất. Năm 2019, trường đạt mục tiêu tạo ra 109% năng lượng tái tạo. Chương trình học đều xoay quanh thực phẩm lành mạnh và môi trường sống.
Xếp thứ 2 là Đại học Nottingham, Vương quốc Anh. Với mái nhà xanh, hồ nước, nuôi thiên nga, diệc, khuôn viên trường từng đạt giải thưởng khuôn viên đại học xanh thế giới. Trường không cắt cỏ để có lợi cho động vật hoang dã và thu hút côn trùng. Mỗi năm, họ ủ 500 tấn rác thải, sau đó sử dụng làm chất cải tạo đất trên khuôn viên trường.
Để khuyến khích sinh viên, nhân viên sử dụng phương tiện giao thông lành mạnh và ít các-bon, nhà trường tổ chức dịch vụ bảo dưỡng xe đạp miễn phí, giảm hoặc miễn phí xe bus, thậm chí chương trình thuê xe đạp dài hạn với mức giá hợp lý. Tính bền vững là trọng tâm trong mọi hoạt động của trường, bao gồm cả nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động trong khuôn viên trường và đầu tư.

Tạo nên việc làm xanh
Giáo dục xanh không chỉ xây dựng thế giới bền vững mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu việc làm xanh (green jobs) trong thị trường lao động. Theo đó, việc làm xanh là việc làm bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, hành chính; góp phần bảo tồn, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, định nghĩa về việc làm xanh có hai tiêu chí. Thứ nhất, đó là việc cung cấp việc làm trực tiếp trong các lĩnh vực và hoạt động kinh tế giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng đến môi trường. Thứ hai, việc làm xanh cần đi kèm với mức lương thoả đáng, điều kiện làm an toàn và tôn trọng quyền của người lao động.
Một báo cáo do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố năm 2021 về Hướng dẫn giáo dục toàn cầu về việc làm xanh đã đưa ra một số hành động chính cho các nhà giáo dục để chuẩn bị cho sinh viên tham gia vào nền kinh tế xanh trong tương lai. Trong các phương án, có việc đưa vào chương trình giảng dạy nội dung về tính bền vững của môi trường và phát triển lực lượng lao động xanh cho nền kinh tế xanh.
Giáo dục xanh lẫn việc làm xanh đều là những xu hướng mà người trẻ tích cực theo đuổi. Nhiều sinh viên nhất trí rằng việc làm xanh không chỉ dừng ở việc loại bỏ khí thải nhà kính, chất thải và ô nhiễm môi trường; mà còn khuyến khích phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, cải thiện sức khoẻ con người và hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Đối với sinh viên, các kĩ năng xanh là kĩ năng cho tương lai để thích ứng với xã hội trong tương lai.
Vấn đề giáo dục xanh đặc biệt cấp thiết tại khu vực châu Á. Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính vào năm 2023, khoảng 43% lực lượng lao động ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra. Họ cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp đòi hỏi mọi người phải được đào tạo các kĩ năng về việc làm xanh. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đại học cần chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu về kĩ năng mới.
Giáo dục xanh là cần thiết và quan trọng nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện đại nhưng việc triển khai giáo dục xanh trong các trường đại học, nhất là tại châu Á, còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, nguồn ngân sách và tài trợ của chính phủ không đủ giúp các trường triển khai những dự án xanh hay tổ chức chương trình đào tạo về phát triển bền vững. Ở nhiều quốc gia, nơi giáo dục được coi trọng, chỉ thành tích của những môn học giúp ích cho việc tìm việc làm mới được chú ý.
Thứ hai, không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng trang bị đầy đủ trang thiết bị để giảng dạy về giáo dục xanh như tái tạo năng lượng.
Thứ ba, tuỳ thuộc vào sứ mệnh, định hướng, triết lý giáo dục mà không phải đại học nào cũng ưu tiên đào tạo về giáo dục xanh và phát triển bền vững. Việc đưa nội dung này vào đào tạo đòi hỏi phải tinh giản chương trình giáo dục hiện nay hoặc tăng cường thời gian học nhưng nhìn chung, điều này cần phù hợp với mục tiêu phát triển của các trường.

Bước chuyển của giáo dục châu Á
Hầu hết các trường đại học châu Á, đặc biệt là các trường công lập, đều chậm thay đổi chương trình giảng dạy do những rào cản về mặt hành chính. Tuy nhiên, theo Bảng xếp hạng Đại học Bền vững mới do tổ chức giáo dục QS thực hiện, nhiều trường đại học trong khu vực đã đưa các tiêu chí Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào đường hướng phát triển và chương trình giảng dạy. Điều này cho thấy các trường đại học thực sự quan tâm, nhu cầu được đào tạo nguồn nhân lực xanh cho đất nước trong tương lai, dù còn nhiều rào cản trong công tác tổ chức và triển khai.
Singapore, Philippines, Ấn Độ và Thái Lan là những quốc gia nghiêm túc triển khai giáo dục việc làm xanh, thể hiện qua việc sửa đổi chương trình giảng dạy và thay đổi bản chất của việc học tập trên lớp.
Đại học Mahasarakham, nằm ở Đông Bắc Thái Lan, với hơn 42 nghìn sinh viên và 2,2 nghìn chương trình đào tạo, là một ví dụ. GS Prayook Srivilai, Hiệu trưởng nhà trường, nhận định việc tích hợp SDG vào tiêu chí xếp hạng các trường đại học sẽ khuyến khích các tổ chức ưu tiên tính bền vững trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và gắn kết cộng đồng. Thông qua chương trình “giải pháp thành phố thông minh”, trường đang hợp tác với các địa phương để xây dựng thành phố xanh, giải quyết các vấn đề thiên tai.
TS Sarana Photchanachan - Trưởng khoa Quản lý tại Đại học Shinawatra (Thái Lan) cho biết, trường đã đặt ra chính sách mới cho một trường đại học xanh. Theo đó, mỗi khoa, thông qua đào tạo và chương trình giảng dạy, sẽ tổ chức các hoạt động giúp sinh viên hiểu được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và nhận thức tầm quan trọng của nền kinh tế xanh.
GS Francisco Magno - giảng viên khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Phát triển, Đại học De La Salle (Philippines) nhận định các Mục tiêu Phát triển Bền vững đóng vai trò là động lực chính cho quá trình chuyển đổi từ giảng dạy lý thuyết sang các phương pháp tiếp cận thực tế, liên ngành. Đây là xu hướng đang thu hút sự chú ý của các trường đại học châu Á.

Mục tiêu quốc gia
Báo cáo tư vấn do Hội đồng Kỹ năng Ấn Độ về việc làm xanh công bố vào năm 2023 dự đoán Ấn Độ có tiềm năng tạo ra 35 triệu việc làm xanh vào năm 2047. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, hệ thống giáo dục phải đóng vai trò chính trong việc “xanh hoá” chương trình giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.
Chính sách Giáo dục Quốc gia (NEP) của Ấn Độ được công bố vào năm 2020 nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục phát triển bền vững trong việc đạt được tham vọng SDG của Ấn Độ.
Tại quốc đảo Singapore, được ví như một khu rừng bê tông nhưng lại là cường quốc công nghệ số, việc xanh hoá môi trường được coi trọng. Đất nước này có tham vọng trở thành trung tâm khu vực về giáo dục liên quan đến việc làm xanh.
Ước tính Đông Nam Á có khoảng 30 triệu việc làm liên quan đến tính bền vững vào năm 2030. Singapore đang thúc đẩy Kế hoạch Xanh Singapore 2030 bao gồm tăng thuế các-bon cho doanh nghiệp, đào tạo con người cho các công việc xanh.
Các tổ chức giáo dục, như Viện Công nghệ Singapore (SIT) đang tích hợp các nguyên tắc về tính bền vững vào chương trình giảng dạy của mình, sử dụng phương pháp học tập theo trải nghiệm và nền tảng kỹ thuật số, đồng thời hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp để phát triển các chương trình đào tạo thực tế.
Giáo dục về tính bền vững cơ bản là bắt buộc đối với tất cả sinh viên đại học tại SIT và trong các chương trình cấp bằng liên kết.
Nhìn chung, giáo dục xanh để chuẩn bị cho việc làm xanh là yêu cầu đặt ra cấp thiết cho các trường đại học, nhất là trong khu vực châu Á. Đây cũng là khu vực có đông dân số, hứa hẹn phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai nên đòi hỏi phải có sự song hành với các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ các quốc gia cần tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học chuyển đổi thành công sang mô hình giáo dục xanh.
GS Francisco Magno - giảng viên khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Phát triển, Đại học De La Salle (Philippines) cho biết: Các trường đang tích hợp tính bền vững vào chương trình giảng dạy, khuyến khích học tập theo trải nghiệm và hợp tác với các ngành công nghhiệp. Phương pháp tiếp cận này giúp trang bị cho sinh viên các kĩ năng và kiến thức cần thiết cho nền kinh tế xanh.