Gần đây, thông tin về việc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường sẽ xây Chùa Tháp tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) gây nhiều chú ý. Tổng giám đốc đơn vị này là ông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông hiện cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư. Dự án tại Thái Nguyên cũng không phải công trình tâm linh đầu tiên của doanh nghiệp này.
Khu văn hóa tâm linh Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Quần thể kiến trúc chùa Bái Đính mới (Gia Viễn, Ninh Bình) tọa lạc trên khuôn viên rộng 700ha với 20 hạng mục. Được khởi công năm 2004, đến giữa năm 2008, chùa Bái Đính đã khánh thành giai đoạn 1 và đang trong giai đoạn hoàn thành những hạng mục cuối cùng.
Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất tại Việt Nam ở thời điểm hoàn thành, như rộng nhất (tổng 539ha), có chuông đồng lớn nhất (nặng 36 tấn), có hành lang La Hán dài nhất châu Á (gần 3 km), có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 bức), có giếng ngọc lớn nhất, có số cây bồ đề nhiều nhất nước (100 cây)...
Tính đến ngày 6/6/2009 ngôi chùa này đã có 6 kỷ lục được công nhận. Ngày 28/2/2012 chùa có thêm 2 kỷ lục chùa lớn nhất châu Á được xác lập.
Ông Trường đã đầu tư xây dựng khách sạn hạng sang 5 sao theo phong cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai..., trên diện tích 20.000 m2 trong khu vực chùa Bái Đính với giá trị đầu tư 200 tỷ đồng. Nổi bật trong công trình này là một phòng họp hội nghị và phòng ăn uống cấp cao có sức chứa 1.000 khách.
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam)
Khu du lịch hồ Tam Chúc với diện tích đã mở rộng khoảng 4.000ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng sẽ là gạch nối giữa Khu du lịch chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2020, khoảng cách từ chùa Hương đi Bái Đính chỉ còn hơn 20km kết nối 3 khu du lịch tâm linh lớn nhất miền Bắc thành một trục du lịch mới.
Pho tượng Phật tại ngôi chùa nặng tới 200 tấn, và ngay khi vừa đúc tạo xong đã trở thành pho tượng bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, vượt kỷ lục của pho tượng Thích Ca 100 tấn ở chùa Bái Đính. Ngoài các công trình tâm linh, dự án còn có các sản phẩm du lịch như du lịch trên hồ, nghỉ dưỡng, leo núi, thể thao và vui chơi giải trí...
Bức tượng Phật tại chùa Tam Chúc nặng tới 200 tấn. Ảnh:Báo Hà Nam |
Dự án tâm linh đảo Cái Tráp (Hải Phòng)
Cuối năm 2015, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương cho đơn vị này được đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp tại đảo Cái Tráp.
Dự án đảo Cái Tráp có mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. |
Dự án có tổng diện tích đất hơn 450ha của đảo Cái Tráp với giá trị đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, khu tâm linh có diện tích gần 89ha với tượng Phật cao 150m và khu dịch vụ 108ha với khách sạn 5 sao, sân golf...
Ông chủ Xuân Trường từng cho biết, dự án thành công sẽ tạo điểm nhấn cho quần thể du lịch ven biển, kết nối với khu du lịch tâm linh Tràng Kênh - khu dự trữ sinh quyển Cát Bà - khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh). Dự kiến trong năm nay ông Trường sẽ khởi công xây dựng. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 6,5 triệu lượt khách mỗi năm, tương đương Khu du lịch Tràng An - Bái Đính.
Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)
Khu du lịch tâm linhHồ Núi Cốc dự kiến sẽ có công trìnhTháp Phật giáo cao nhất thế giới. |
Đầu năm 2016, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường được giao làm chủ đầu tư dự án tâm linh Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Dự án kéo dài trong 20 năm được chia làm 2 giai đoạn gồm khu tâm linh và vui chơi, giải trí, khách sạn, khu resort cao cấp, nghỉ dưỡng… Dự kiến, giai đoạn đầu sẽ mở cửa đón khách vào năm 2019.
Theo thiết kế, dự án sẽ có hạng mục chùa Tháp, dự kiến sẽ là một trong những Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới. Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng rộng 10.000m2. Công trình này có thể chứa được từ 5.000 đến 10.000 người trong cùng một thời điểm.
Ông Trường cho biết, phần đổ bê tông thô của chùa Tháp sẽ do thợ Việt Nam đảm nhiệm. Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp (tượng Phật, 12.000 bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật…) sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonesia và Ấn Độ chế tác tại các quốc gia này, sau đó mới đưa về Tháp để lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Ngoài những dự án đình đám với hàng loạt kỷ lục nói trên, doanh nghiệp của ông Trường còn là chủ đầu tư khu du lịch hồ Đồng Chương, Công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (Ninh Bình) và tham gia trùng tu nhiều ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa... Năm 2010, ông Trường cũng được biết đến khi chi 100.000 USD để đích thân sang Ấn Độ đón ngọc xá lợi về Việt Nam.
Là một doanh nhân, nhưng gắn chặt với Phật giáo, nên ông Trường là người ăn chay, sống khá giản dị và kín tiếng. Một trong những thông tin hiếm hoi mà ông từng chia sẻ với báo giới là ông rất quyết liệt trong công việc kinh doanh, kể cả bạn bè cũng không thỏa hiệp.