Cuối tháng 8/2016, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức khiến cổ đông sốc khi bất ngờ báo lỗ khủng.
Theo đó, quý 2/2016, Hoàng Anh Gia Lai lỗ 1.244 tỷ đồng. Đây là kỳ thua lỗ hiếm hoi của Tập đoàn này. Trước đó, HAG đã lỗ 589 tỷ đồng trong quý 4/2015.
Với khoản lợi nhuận sau thuế âm 1.244 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai đang là quán quân trong danh sách các đại gia thua lỗ nhiều nhất.
Giải thích cho khoản lỗ khủng này, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, trong kỳ, công ty thanh lý dự án bất động sản tại TPHCM, khiến công ty âm 413 tỷ đồng.
Hoạt động đánh giá lại các tài sản không hiệu quả “góp” vào khoản thua lỗ 530 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi vay cũng ảnh hưởng lớn tới chỉ số lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai.
Đứng sau Hoàng Anh Gia Lai về thua lỗ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, trong kỳ, Gỗ Trường Thành lỗ 1.124 tỷ đồng.
Đây là điều khá bất ngờ, vì trước đó TTF thường xuyên báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi quý. Cùng với việc lỗ khủng, vốn chủ sở hữu TTF giảm mạnh từ hơn 1.900 tỷ đồng quý 1/2016 xuống chỉ còn gần 517 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, TTF gây sốc khi tài sản bỗng dưng bốc hơi. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 2 cho thấy, hàng tồn kho của TTF bị phát hiện thiếu 980 tỷ đồng. Thông tin này khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu TTF. Kết quả là TTF giảm 60,3%, từ 43.600 đồng/CP xuống 17.300 đồng/CP.
Cho đến thời điểm hiện tại, kết quả điều tra và trách nhiệm của các bên liên quan đến khoản thiếu hụt 980 tỷ đồng hàng tồn kho của TTF vẫn chưa được công bố. Vì vậy, TTF vẫn là cú sốc với nhà đầu tư.
Khi cổ đông còn chưa hết sốc với thông tin hàng tồn kho biến mất, nhiều cổ đông nội bộ đã nhanh chân tháo chạy. Em của ông Võ Diệp Văn Tuấn (thành viên Hội đồng quản trị) đã bán 100.790 cổ phiếu TTF, con gái ông Võ Trường Thành bán hết cổ phiếu TTF.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) lại lao đao vì tỷ giá. Tỷ giá tăng vọt khiến PPC lỗ 192 tỷ đồng trong quý 2/2016. Bên cạnh doanh thu sụt giảm, chi phí tài chính tăng lên 388 tỷ đồng chỉ trong quý 2 khiến PPC gánh khoản lỗ khủng.
Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long (KLS) cũng là gương mặt được chú ý. KLS khiến nhà đầu tư sốc khi tuyên bố giải thể dù vẫn đang sở hữu khối tài sản lên đến 2.000 tỷ đồng. Vì không tập trung vào kinh doanh nên công ty có kết quả kinh doanh bết bát trong quý 2/2016.
Cụ thể, công ty lỗ tới 158 tỷ đồng trong quý 2/2016. Dù vậy, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn tăng từ 2.276 tỷ đồng lên 4.143 tỷ đồng. Đó là do KLS đang nỗ lực giải thể để chia hết tiền cho cổ đông và người lao động.
Công ty cổ phần DAP – VINACHEM (DDV) không bất ngờ khi báo lỗ khủng vì DDV đã lỗ 37 tỷ đồng. Sang quý 2, con số này vọt lên 175 tỷ đồng. Nguyên nhân là do DDV không kiểm soát tốt chi phí khiến giá vốn tăng vọt, vượt trội so với giá bán.
Trong văn bản giải trình, DVV Cho biết, nguyên nhân khiến DDV thua lỗ là do tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, giá bán giảm sâu, giảm giá cho khách hàng tăng cao, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, phải cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc (NOS) cũng có “thâm niên” thua lỗ. Trong quý 2, NOS lỗ 114 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 209 tỷ đồng. Hiện tại, công ty lỗ lũy kế 3.276 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đã âm 3.017 tỷ đồng.
NOS cho biết, nguyên nhân dẫn đến kết quả thua lỗ là do sự suy giảm đột ngột và kéo dài của thị trường vận tải biển từ cuối năm 2008 đến nay đã khiến các công ty vận tải biển gặp khó khăn. Giá cước sụt giảm đến 90%, nguồn hàng khan hiếm.
Đội tàu của NOS rơi vào tình trạng nguồn thu không đủ bù đắp chi phí thiết yếu cho đội tàu như: Tiền lương, bảo hiểm, nhiên liệu, vật tư, sửa chữa. Do đội tài của công ty được đầu tư vào thời điểm thị trường vận tải biển đang phát triển nên giá đầu tư cao dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cao.