Quang sinh (bioluminescence) làm cho biển cả lung linh hơn
Khi sóng xô vào bờ lúc đêm xuống, nước lấp lánh ánh sáng xanh phát ra từ những loài phù du dinoflagellates khi gặp bối rối hay bị quấy rối (như khua chèo vào chúng) như thường thấy tại vịnh Vaadhoo Island ở Maldives. Trên internet có nhiều bức ảnh “bữa tiệc ánh sáng” tự nhiên như thế do du khách đưa lên. Dinoflagellates là nguồn gốc của đa số hiện tượng quang sinh trên mặt biển vào ban đêm.
Tại Puerto Rico và Jamaica có những vịnh quang sinh nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, bất cứ đại dương nào có nhiều dinoflagellates cũng có hiện tượng thú vị này. Đôi khi dân số dinoflagellates tăng nhanh bất ngờ gây ra sự bùng nổ khiến ban ngày nước biển biến thành màu đỏ nâu độc hại. Kỳ lạ và hiếm hơn là “hiện tượng quang sinh” tạo ra những vùng biển có màu sữa trên một diện tích lớn.
Hiện tượng này tái diễn hàng trăm lần từ năm 1995 tại Tây Bắc Ấn Độ dương và gần Java, Indonesia. “Chúng không do dinoflagellates mà là kết quả của việc tích lũy số lượng lớn vi khuẩn phát quang gần mặt biển” – tiến sĩ Matt Davis, giáo sư sinh học chuyên nghiên cứu quang sinh tại Đại học St. Cloud, Mỹ nói. Cách nay hàng thế kỷ, các thủy thủ đi biển cũng từng mô tả về “những cánh đồng tuyết lớn trên biển”. Năm 2005, các nhà nghiên cứu đã phân tích những hình ảnh vệ tinh và phát hiện có một vùng biển rất rộng lấp lánh 3 đêm liền.
Loài phù du Dinoflagellates |
Mực Bobtail |
Sinh vật phát sáng trong biển đêm
Mực Bobtail có quan hệ “cộng tồn” với vi khuẩn quang sinh (bioluminescent bacteria) phát ra ánh sáng nhờ phản ứng hóa học tự nhiên trong cơ thể. Trong đại dương, phản ứng này cũng thấy tại các sinh vật khác như cá, nhuyễn thể và các loại mực, bạch tuộc. Dưới biển sâu, đa số sinh vật đều có khả năng quang sinh và đây là nguồn ánh sáng chính của chúng để thuận tiện cho việc di chuyển trong màn đêm. Nhưng ngay tại các vùng biển cạn, nhiều loài cá cũng phát sáng vào ban đêm.
“Cá phát sáng có một chiếc túi chứa vi khuẩn quang sinh dưới mắt. Chiếc túi này có thể xoay tròn như “đèn pin” để thông tin với nhau và tìm thức ăn” – Tiến sĩ Matt Davis nói. Loài cá Ponyfish còn dùng một sợi cơ co bóp trong suốt để làm ánh sáng nhấp nháy như tín hiệu. Ngụy trang, tự vệ và săn mồi là các lý do phát sáng của nhiều sinh vật biển vào ban đêm. Mực Bobtail squid có thể điều chỉnh ánh sáng phát ra từ túi vi khuẩn quang sinh nó chứa bên hông cho phù hợp với cường độ của ánh trăng để những con vật săn mồi khác không nhìn thấy.
Ánh trăng là tín hiệu cho bữa tiệc sinh sản lớn nhất hành tinh
Dải san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef tại Úc cũng là nơi diễn ra bữa tiệc sinh sản lớn nhất địa cầu. Không có gì lãng mạn hơn khi các đôi tình nhân được chứng kiến hiện tượng độc đáo này nếu họ ghé thăm nước Úc đúng lúc hiện tượng này xảy ra. Mỗi năm, cứ một đêm vào mùa xuân, bữa tiệc lớn nhất lại tái hiện vào đêm trăng tròn. Lúc đó, 130 loài san hô sẽ cùng lúc thả trứng và tinh trùng vào nước trong khoảng thời gian từ 30-60 phút. Đây là minh họa phi thường cho tác phong “hòa điệu” nhịp nhàng trong thế giới tự nhiên. Trứng và tinh trùng thải ra sẽ lơ lửng trong vài phút để tạo ra bản sao của rặng san hô trước khi rã đám và chìm xuống dưới để bắt đầu “màn thụ tinh tập thể” vô cùng độc đáo.
Tiến sĩ Oren Levy, chuyên viên thủy sinh và sinh thái, giáo sư môn khoa học đời sống tại Đại học Bar-Ilan ở Israel là người nghiên cứu nhiều năm hiện tượng phi thường này. “Hiện tượng thụ tinh tập thể xảy ra từ 3-5 đêm liên tiếp sau tối trăng tròn tháng 11. Nó luôn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, không chỉ mang hơi hướm tâm linh mà còn thể hiện sự bí ẩn và quyền năng của tự nhiên. Trăng tròn đóng vai trò “bắn phát súng khởi đầu”. Các yếu tố khác như nhiệt độ nước, thủy triều, mặt trời lặn giúp cho hiện tượng này xảy ra. Rõ ràng, dải san hô có khả năng biết được thời điểm trăng tròn và chuẩn bị hòa điệu với nó”.
Thụ tinh tập thể tại Great Barrier Reef |
Cá mập, hải cẩu và ánh sáng mặt trời
Đừng tưởng cá mập ngủ vào ban đêm mà lao xuống nước vì ngay cả loài cá mập trắng lớn nhất cũng thích săn mồi vào ban đêm. Thói quen này là nguy cơ cho hải cẩu vì ánh trăng là trợ thủ đắc lực cho những loài săn chúng. Trong những tháng mùa đông, 60.000 con hải cẩu lông sống trên đảo Sea Island ở False Bay, Nam Phi bỗng trở thành mồi ngon cho những con cá mập trắng khổng lồ lảng vảng trên mặt nước.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy hải cẩu bơi vào đêm trăng tròn dễ bị cá mập ăn thịt nhất trong năm vì ánh trăng đã in bóng của chúng trên mặt nước nên cá mập bơi bên dưới có thể nhìn thấy dễ dàng. Nếu ánh nắng mặt trời cản trở cá mập săn mồi thì ánh trăng là “đồng minh” của nó. Loài hải cẩu cũng có khả năng di chuyển theo hướng vì sao sáng nhất trong bầu trời đêm để tìm về nơi an cư cách đó cả trăm km” – tiến sĩ Bjorn Mauck nói.
Cá mập trắng hoạt động mạnh về đêm |
Mực Humboldt |
Những sinh vật kỳ lạ chỉ hoạt động vào ban đêm
Mực Humboldt thuộc số các sinh vật này. Hiếm khi chúng ngoi lên mặt biển vào ban ngày để kiếm ăn, nhưng ban đêm là thời gian chúng hoạt động hết công suất. Humboldt, hay Jumbo là một trong những sinh vật biển đẹp nhất bạn có thể thấy dưới đáy đại dương. Ban ngày, chúng ẩn náu dưới bờ biển phía Tây nước Mỹ ở Đông Thái Bình dương nhưng ban đêm chúng thuộc số sinh vật hoạt động mạnh nhất trên mặt đại dương.
“Món ăn chính của chúng là cá Lantern fish (cá lồng đèn) – giáo sư Paul Rodhouse thuộc cơ quan khảo sát đại dương British Antarctic Survey (BAS) nói - Ngược lại, Lantern fish lên mặt nước vào ban đêm để ăn Zooplankton, món khoái khẩu của nhiều sinh vật biển. Mỗi đêm có vô số sinh vật kiếm ăn như thế. Có con mực bơi qua chặng đường rất xa mỗi ngày để đến nơi có nhiều thức ăn vào ban đêm. Humboldt có khả năng thay đổi màu và phát ra ánh sáng màu đỏ nên chúng có biệt danh “red devils” (những con quỉ đỏ). Mặc dù nhỏ hơn nhiều so với người anh em dài đến 13 mét (nó dài 1,5 mét) nhưng nó săn mồi cực kỳ nhanh và bạo liệt, có thể tấn công cả cá mập và con người. “Nhưng may mắn là chúng chỉ săn mồi khi đêm xuống. Còn ban ngày chúng tự bảo vệ mình bằng cách lặn xuống dưới sâu” – Rodhouse nói.