Thế giới dưới lòng đại dương tối vẫn luôn luôn là một ẩn số lớn đối với nhân loại, bởi vậy mỗi mảnh ghép của ẩn số đó được mở ra là cả một kho báu vô cùng quý giá.
2 trong số những mảnh ghép ấy mới đây đã được Explorer Okeanos, một nhóm các nhà thám hiểm tại NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration Commissioned Corps) - Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ, tìm ra.
Phát hiện đầu tiên được Explorer Okeanos công bố sau một chuyến lặn tại vùng biển thuộc Đảo Atoll vào ngày 25/7 vừa qua. Chuyến thám hiểm này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình thám hiểm có tên "Laulima O Ka Moana: Exploring Deep Monument Waters Around Johnston Atoll" (tạm dịch: "Laulima O Ka Moana: Khám phá vùng đất sâu xung quanh Đảo Atoll"). Đó là một thảm bọt biển thủy tinh trải rộng dưới đáy đại dương.
Theo lời kể lại từ nhóm thám hiểm, sau khi chạm chân tới một sườn đồi dưới bề mặt cát dưới đáy đại dương với độ sâu đo được lúc đó là khoảng 2.360m, cả nhóm thám hiểm đã vô cùng ngạc nhiên vì diễn ra trước mắt của mình là một "khu rừng bọt biển thủy tinh".
Video: Không thể tin dưới đáy biển sâu 2000m có một khu rừng kỳ lạ thế này.
Những "bông" bọt biển này nằm trên một phần thẳng đứng và mềm mại giống như thân của một số loài thực vật, trên bề mặt của chúng có những "hố" lõm sâu. Có một điều đặc biệt đó là toàn bộ những "cây" trong thảm bọt biển ấy đều hướng về một hướng duy nhất.
Bên cạnh đó, kích thước của những bọt biển này rất đa dạng, Explorer Okeanos cho biết, có những cá thể còn phát triển tới kích cỡ bất thường so với các cá thể còn lại.
"Trong lúc ghi hình, chúng tôi không thể ngừng thốt lên xúc động, không chỉ vì chúng tôi được tận mắt chứng kiến một cảnh tượng vô cùng kỳ diệu của một loài sinh vật mà khoa học chưa từng biết đến, mà còn bởi những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp".
"Mỗi lần thám hiểm đều mang đến cho tôi rất nhiều điều, rất nhiều trải nghiệm mới mẻ về thế giới của chúng ta, tuy nhiên, trải nghiệm giống như cuộc sống trên một hành tinh khác như chuyến thám hiểm lần này mang lại là lần đầu tiên", một thành viên trong nhóm Explorer Okeanos chia sẻ.
Chỉ trước đó vài ngày, nhóm thám hiểm đã phát hiện ra một sinh biển vô cùng kỳ lạ khác sau chuyến lặn tại một vùng biển thuộc Farallon de Medinilla ở độ sâu hơn 2.400m. Đó là một sinh vật biển phát sáng huyền bí lơ lửng trên tầng cát dưới đáy biển sâu và có hình dạng giống với loài hoa bồ công anh.
Trong hình ảnh cận cảnh do nhóm nghiên cứu ghi lại bằng thiết bị điều khiển từ xa (ROV) có tên là Deep Discoverer, loài sinh vật biển kỳ lạ này có cơ thể màu vàng sáng, hình cầu với nhiều xúc tua có cấu trúc đa dạng bám quanh, trông rất giống với một bông hoa bồ công anh.
Được biết, loài sinh vật không xương sống này không phải là một cá thể đơn, nó là một cấu trúc gồm rất nhiều các cá thể cùng sống và làm việc với nhau.
Theo các nhà nghiên cứu tại NOAA, khi phát hiện ra loài sinh vật này, chúng đang trong trạng thái lơ lửng. Đặt giả thiết cho điều này, NOAA cho rằng sở dĩ chúng có thể "bay" như vậy là nhờ các thể phao giống như xúc tua luôn luôn chuyển động ở phía trên và những "chân" nhỏ, dài chứa khí ở phía dưới.
Ông Scott C. France, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Louisiana, Lafayette cho biết sinh vật biển này là một loại siphonophore, nằm trong họ Rhodaliidae.
"Siphonophore là một thực thể sinh vật biển giống với loài sứa nhưng thuộc chủng Cnidaria - nhóm động vật "lai tạp" giữa san hô, sứa biển và cũng là một trong những loài dài nhất thế giới", ông giải thích.
Phát hiện về loài sinh vật kỳ lạ và vô cùng hiếm này được coi là một thành tựu lớn đối với khoa học nhân loại.
"Thế giới tối tăm dưới lòng đại dương sâu thẳm chứa đựng vô vàn những điều kỳ lạ nhưng loài sinh vật này là điều kỳ lạ nhất mà chúng tôi từng biết. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một bông hoa bồ công anh "bơi" dưới nước như vậy", một thành viên trong nhóm khám phá Explorer Okeanos cho biết.