Đại biểu Quốc hội tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ về vấn đề học phí

GD&TĐ - Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà, về vấn đề học phí, tại phiên chất vấn ở Quốc hội, sáng 7/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tranh luận về vấn đề học phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tranh luận về vấn đề học phí.

Tranh luận với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà, liên quan đến tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng việc thực hiện tự chủ giúp các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và nâng cao thu nhập cho viên chức trong các đơn vị này.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang tự chủ hiện nay, trong đó có đơn vị sự nghiệp trong ngành Giáo dục.

Đại biểu Đoàn Thái Bình lấy ví dụ về quy định tăng lương từ 1/7/2023, nhưng 3 năm nay chưa tăng học phí, gây khó khăn cho đơn vị tự chủ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bỏ việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nên việc giảm viên chức hưởng lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập bằng cách đẩy mạnh tự chủ trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện là chưa phù hợp, cần có giải pháp tháo gỡ cho tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế để đảm bảo được hành lang pháp lý, thúc đẩy tự chủ.

Riêng đối với tự chủ giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Tiếp đó, sớm sửa đổi Nghị định 81/2021 của Chính phủ, làm cơ sở tính phí cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có thể thực hiện được tự chủ và các hành lang pháp lý có liên quan đến chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như là của Bộ Tài chính.

“Được biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đang tập trung chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi một số các nghị định liên quan, trong đó có Nghị định 81/2021 của Chính phủ, để chúng ta đảm bảo được việc sớm có định mức cho thu học phí đối với các cấp, đảm bảo được cho năm học 2023-2024”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Trước đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi Thông tư 06, Thông tư 11 về định mức giáo viên và học sinh trên lớp.

Bộ trưởng mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục rà soát lại cơ chế để thúc đẩy tự chủ, làm sao có được cơ chế tự chủ, nhất là đối với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Đây là điều kiện để có thể giảm bớt được số viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đối với địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp, nhất là những trường liên cấp, liên xã ở những nơi có số lượng học sinh không lớn, nhất là ở những vùng nông thôn, để giảm đầu mối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.