Làm rõ phạm vi nợ công
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật Quản lý nợ công, nhiều ĐBQH thống nhất với quan điểm, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.
Giải trình thêm về phạm vi điều chỉnh của nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, chúng ta đã tính đến DNNN vay lại vốn vay của Chính phủ và các khoản vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh vào phạm vi nợ công.
Còn các khoản vay do DNNN tự vay, tự trả, thì DNNN là công ty TNHH một thành viên hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Và theo hướng dẫn của Ngân hàng thế giới, chỉ tính nợ tự vay, tự trả của DNNN, còn nợ công nếu thỏa mãn 3 điều kiện, đó là: Chính phủ sở hữu 50% vốn của doanh nghiệp; hoạt động thu chi của DNNN được kết cấu trong dự toán ngân sách hàng năm và Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp mất khả năng trả nợ.
Ngoài ra, qua khảo sát 40 nước trên thế giới, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với điều kiện vay lại, tại Mục a, Khoản 2, Điều 40, Dự thảo Luật quy định điều kiện vay lại đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, quy định như vậy là quá rộng và chung chung. Việc vay lại cần được sàng lọc từ việc thông qua những quy định pháp luật chặt chẽ, bảo đảm giới hạn cho vay đối với dự án có hiệu quả và thuộc đối tượng dự án đáp ứng yêu cầu phát triển từng thời kỳ.
Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung điều kiện, chương trình dự án được vay lại một cách cụ thể hơn, đồng thời cần quy định các điều, mục sử dụng vốn vay lại, bảo lãnh sử dụng vốn vay không hiệu quả đối với những dự án, chương trình kém hiệu quả, để kịp thời bảo toàn đồng vốn, giảm thiểu rủi ro.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu tại hội trường |
Cần có quy định cụ thể để quản lý nợ công tốt hơn
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều vấn đề vẫn còn có những ý kiến khác nhau về đầu mối quản lý nợ công. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), trong bối cảnh các nguồn viện trợ, cho vay từ nước ngoài ngày càng giảm, để tránh xáo trộn các mối quan hệ quốc tế, chưa nên thay đổi các đầu mối chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định từ các nhà tài trợ. Việc thống nhất cơ quan đầu mối quản lý có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn vướng mắc.
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để quản lý nợ công tốt hơn, nhiệm vụ chính hiện nay là dồn nguồn lực giải quyết thực chất các bất cập đã được xác định trong sử dụng vốn vay ưu đãi, tạo chuyển biến về chất trong quản lý vốn ODA nói riêng và quản lý nợ công nói chung, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.