Mong mỏi ban hành Nghị quyết mới về chương trình SGK
Tôi đồng tình với giải pháp Bộ GD&ĐT đề ra việc tổ chức xây dựng và thẩm định ban hành chương trình SGK phổ thông căn cứ vào việc biên soạn SGK và thẩm định, duyệt, cho phép lưu hành;
Ban hành quy định về việc lựa chọn SGK và tiêu chuẩn người biên soạn SGK, người tham gia hội đồng thẩm định SGK, quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định SGK.
Theo tôi những vấn đề này được xây dựng một cách khoa học, công bố công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội, nhân dân, phụ huynh học snh và cac cấp các ngành theo dõi giám sát.
Tại phiên họp sáng nay, đa số các vị đại biểu thảo luận đều nhất trí với chủ trương đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (TP Hải Phòng) tại phiên họp khẳng định tính cần thiết phải ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.
Ba lý do được đại biểu này đưa ra là: Nhằm thể chế hóa định hướng quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư hội nghị lần thứ 8 khóa 11;
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với thời kì CNH - HĐH đất nước và giải quyết những bất cập, hạn chế trong chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, nền giáo dục phổ thông nói chung, góp phần nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì đổi mới.
Và, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK phổ thông, đến nay cũng đã có những điều bất cập cần thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường cũng hoàn toàn tán thành chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và cho rằng, chủ trương này phù hợp với xu thế của nền giáo dục hiện đại; tránh hiện tượng độc quyền trên nhiều bình diện;
Tạo ra nguồn thông tin đa dạng và phong phú để nhiều cấp nhiều ngành và toàn xã hội tiếp tận; tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, chủ yếu là giáo viên, học sinh; phù hợp với đối tượng vùng miền khác nhau, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
Khẳng định đổi mới chương trình SGK GDPT là một chủ trương lớn, là công việc hết sức hệ trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền lợi và nghĩa vụ của đông đảo các tầng lớp trong xã hội; đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) cho rằng, việc này nhất thiết phải được xem xét một cách thận trọng và có trách nhiệm.
Đại biểu Hồng Nga cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã nêu trong Đề án với nhiều ý tưởng hết sức phong phú toàn diện và có nhiều điểm mới đáp ứng được những yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.
Nhiều đại biểu đồng tình Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK
Về chủ trương một chương trình thống nhất trên toàn quốc nhưng nhiều bộ sách, đại biểu Phạm Thị Hồng Nga đánh giá là phù hợp; hầu hết các nước đều thực hiện chủ trương này để đảm bảo huy động được nhiều tài năng khác nhau và có sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời có được những cuốn SGK phù hợp với các đối tượng HS, phù hợp với các dân tộc các vùng miền khác nhau.
Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) tại phiên họp cũng khẳng định: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là tư tưởng chỉ đạo đổi mới giáo dục phổ thông lần này; đây là sự thay đổi rất lớn, tác động đến hàng triệu học sinh, hàng ngàn giáo viên và các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục các cấp.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua trong việc triển khai một cách quyết liệt Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong có, chọn đổi mới hình thức thi cử và đổi mới chương trình, sách giáo khoa làm khâu đột phá.
Việc vấn đề này được đưa ra thảo luận trước Quốc hội vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, theo đại biểu Thăng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội cũng như mối quan tâm của cử tri cả nước với giáo dục.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng thể hiện sự nhất trí với định hướng đổi mới theo nguyên tắc một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, vì đây là xu hướng của nhiều nền giáo dục trên thế giới mà chúng ta cần phải tiếp cận.
Việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính trong xã hội. Đồng thời, có thể tạo được sự cạnh tranh giữa các bên, nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa, đồng thời, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đa số đại biểu thể hiện sự đồng tình việc Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa bởi đây là việc làm cần thiết, giúp học sinh, nhà trường luôn được đảm bảo sẽ có ít nhất một bộ sách giáo khoa có chất lượng được lưu hành.
Những ý kiến đóng góp tâm huyết
Việc cần làm ngay và trước tiên là Bộ GD&ĐT cần xây dựng một chương trình chuẩn mới cho từng cấp học, bậc học và phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân về chương trình đó.
Các đại biểu tại phiên họp cũng đồng thời có những ý kiến đóng góp rất cụ thể, với kỳ vọng, chương trình sách giáo khoa mới sớm đi vào thực tiễn có hiệu quả như mong đợi.
Góp ý về chương trình, có đại biểu nhấn mạnh: Chương trình cần đảm bảo tính liên tục từ tiểu học đến THPT, phù hợp với từng cấp học, đảm bảo đúng kiến thức, tri thức cơ bản theo lứa tuổi và rèn luyện học sinh về mặt sức khỏe, đạo đức và hội nhập nhưng vẫn giữ được truyền thống của dân tộc.
Nội dung chương trình có tính khả thi, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, nhất là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, cần được bàn bạc dân chủ, có sự thống nhất của giáo viên, phụ huynh và học sinh, tránh sự độc quyền trong thẩm định và sử dụng sách giáo khoa.
Phải đặt mục tiêu của đông đảo học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Chương trình sách giáo khoa mới phải dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu, dễ dạy, gây hứng thú cho người học, không tốn kém mà hiệu quả, và có sự ổn định lâu dài…
Để có thể lựa chọn bộ sách tốt, rất cần có sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT có quy định rất cụ thể, rõ ràng các cơ quan quản lý cấp trên và việc giao quyền tự quyết cũng như nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường, mỗi giáo viên trong giảng dạy…
Có đại biểu nhấn mạnh đến nội dung và phương pháp biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Theo đó, cho rằng đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa phổ thông không phải là đổi mới tri thức mà là đổi mới phương pháp tiếp cận tri thức.
Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng một chương trình chuẩn cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông có tính khoa học và thực tiễn cao. Cần phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản ở mức tối thiểu cần đạt được tới đâu;
Xác định được rõ những nguyên tắc chuẩn mực cần có trong biên soạn SGK, đảm bảo tính khoa học, tính chính xác về tri thức, tính phù hợp với chương trình giảng dạy và khả năng tiếp thu của học sinh, bám sát vào yêu cầu đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Về thẩm định, khuyến khích nội dung theo hướng mở, không đưa vào sách giáo khoa những thông tin số liệu thống kê quá cụ thể để khắc phục sự lạc hậu của sách giáo khoa.
Có đại biểu thẳng thắn đề nghị Ban soạn thảo và đặc biệt là Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần tiến hành thẩm định và phê duyệt SGK một cách minh bạch rõ ràng.
Riêng vấn đề Bộ GD&ĐT cũng tổ chức biên soạn sách, việc tổ chức biên soạn phải bình đẳng cùng với các hội đồng viết sách khác khi trình ra Hội đồng Giáo dục Quốc gia. Chính phủ, Hội đồng Giáo dục Quốc gia giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị, nhưng hội đồng thẩm định này phải trực thuộc Hội đồng Giáo dục Quốc gia.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các bộ sách đảm bảo công khai, công bằng; biên soạn xong nếu được hội đồng thông qua, có thể đấu thầu bản quyền thu về ngân sách, trang trải cho các hoạt động khác sau khi tiến hành chương trình SGK mới.
Chính phủ phải có ngay một đề án lớn và cần thiết tiến hành ngay vừa bồi dưỡng vừa đào tạo lại đội ngũ GV;
Vừa là cơ hội để cải cách hệ thống sư phạm, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực tiếp tham gia và đổi mới chương trình GDPT, vừa có cơ chế tạo sự liên kết trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo giáo viên và nhà trường phổ thông trong đào tạo sử dụng bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Cũng vấn đề này, có đại biểu đề nghị, Bộ GD&ĐT nên tổ chức biên soạn một bộ sách chứ không phải trực tiếp biên soạn,
Điều kiện để đảm bảo thực hiện việc đổi mới chương trình SGK cũng được nhiều địa biểu nhắc tới. Theo đó, khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thiết bị dạy học.
Chỉ có đội ngũ giáo viên giỏi tâm huyết với nghề mới có thể đào tạo ra những thế hệ học trò giỏi, có đạo đức.
Vì vậy, việc đổi mới phải hết sức đồng bộ. trong đó đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định. Đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD phải được coi là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo tính khả thi của chương trình SGK mới.
Việc bồi dưỡng đào tạo lại GV và cán bộ QLGD các cấp nhất thiết phải thực hiện hiệu quả. Tài liệu bồi dưỡng phải được chuẩn bị chu đáo, trong đó có các trường sư phạm là lực lượng nòng cốt. Không chỉ đào tạo đội ngũ cốt cán như các lần cải cách trước đây rồi sau đó phân cấp.
Đại biểu cũng lưu ý, việc đổi mới chương trình SGK lần này với yêu cầu dạy học tích hợp cao ở tiểu học, ở THCS và dạy học phân hóa ở THPT sẽ phát sinh và thay đổi cơ cấu số lượng giáo viên rất lớn; số lượng phòng học cách thức tổ chức quản lý nhà trường cũng sẽ thay đổi rất nhiều nên Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch và phương hướng cụ thể để tránh tình trạng bị động.