Đại biểu Quốc hội nêu thực trạng các công trình đầu tư dở dang

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội nêu ra thực trạng các công trình đầu tư dở dang, kéo dài, công trình sau khi đã hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Chiều 31/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) ghi nhận, 5 năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt những kết quả rất quan trọng, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri và nắm tình hình từ cơ sở cho thấy, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo đó, nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá, quản lý sử dụng tài chính công. Đặc biệt, các công trình đầu tư dở dang, kéo dài, công trình sau khi đã hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả.

Cá biệt, có những công trình bỏ không, gây bất bình trong nhân dân như: dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết, khắc phục. Đại biểu nhấn mạnh đây là những dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn, làm giảm niềm tin trong nhân dân.

Ở các tỉnh, thành phố đều có các dự án, cụm dự án đầu tư và sử dụng vốn ngân sách nhà nước kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí lớn. Đặc biệt, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã có nơi trụ sở bỏ hoang, có nơi trụ sở chính lại không đáp ứng được điều kiện làm việc...

Công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc dẫn đến chậm triển khai dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi mà còn gây thất thoát, thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.

Từ thực trạng trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xử lý nghiêm, kịp thời, truy đến cùng trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập và có giai đoạn để ổn định cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo quy định.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội trong những năm tới vẫn tổ chức giám sát lại các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, chậm so với yêu cầu để có chế tài xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin của cử tri và nhân dân.

Lãng phí là vấn nạn quốc gia

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) - cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.

Đại biểu phản ánh, công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả. Nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn Hưng Yên, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng các quỹ, tài chính ngoài ngân sách. Tăng cường hiệu lực quản lý các dự án, sử dụng và quản lý nhà công vụ, trụ sở làm việc, các công trình phúc lợi công cộng.

Theo đại biểu, cần kiên quyết thu hồi các dự án đã được giao đất nhưng chưa triển khai, chậm triển khai….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.