Đại biểu Quốc hội đề xuất ưu tiên ngân sách đầu tư cho đại học

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề xuất, ưu tiên ngân sách đầu tư cho đại học, nhất là các trường định hướng nghiên cứu, có đào tạo tiến sĩ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Sáng 17/2, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (dự thảo Nghị quyết).

Đề nghị cấp kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) chia sẻ, trên thế giới, phần lớn các trường đại học trở thành trung tâm nghiên cứu. Các công bố lớn, giải Nobel đều đến từ các trường học...

Ở Việt Nam, 90% công bố quốc tế đến từ các trường đại học nhưng ngân sách của nghiên cứu khoa học cấp cho đại học chỉ 10%. "Điều này không tương xứng" – đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Từ thực tế, đại biểu đoàn TP Hà Nội kiến nghị, ưu tiên ngân sách đầu tư cho các trường đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, có đào tạo tiến sĩ.

Nếu không cấp kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh tự bỏ kinh phí ra sẽ nghiên cứu những gì sẵn có. Kết quả đó không có đóng góp nhiều vào giá trị của khoa học.

Nêu những bất cập liên quan đến việc cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi, theo dự thảo Nghị quyết, việc cấp kinh phí được thực hiện theo chi thường xuyên.

Điều này không đúng với tính chất tự chủ của các đơn vị nghiên cứu. Đặc biệt, không đáp ứng yêu cầu nghiên cứu là phải quá trình dài, nhiều năm. Nếu cấp kinh phí từng năm, năm sau không được cấp, hoạt động nghiên cứu đó sẽ bị ngắt quãng.

Do đó, đại biểu đoàn TP Hà Nội đề xuất, không cấp chi phí chi thường xuyên, chuyển sang đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu theo thời gian dài hạn. Tùy theo nhiệm vụ có thể đặt hàng 2 năm, 3 năm, thậm chí 7 năm.

Bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các điểm mới liên quan đến miễn, trừ thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, với phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ, Dự thảo quy định, chỉ có doanh nghiệp được trừ vào phần chi phí tính thuế. Đơn vị nghiên cứu vẫn phải tính thuế thu nhập cá nhân. Đây là điều bất hợp lí.

Đơn vị nghiên cứu tự khai thác tiền từ bên ngoài vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Các trường đại học công lập, không đặt mục tiêu lợi nhuận, hoặc trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận không có cơ sở để tính thuế, nhưng hiện nay, họ vẫn phải đóng thuế. Điều này tăng trách nhiệm, gánh nặng cho người học. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho tất cả các hoạt động nghiên cứu.

hoangminhhieu.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đóng góp ý kiến vào việc bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nêu quan điểm, cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là vấn đề rất quan trọng.

Chẳng hạn, đối với ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy, nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960 thì các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay.

Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chưa có tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lý do Mỹ phóng thử ICBM Minuteman III

Lý do Mỹ phóng thử ICBM Minuteman III

GD&TĐ - Mỹ đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III không có đầu đạn, Căn cứ Không gian Vandenberg đưa tin ngày 19/2.