Cần chính sách đặc thù, ưu tiên cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

GD&TĐ - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc có cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên là hết sức cần thiết và cấp bách với Dự án.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Sáng 17/2, trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận về "Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận".

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) nhấn mạnh, từ một tỉnh thuộc nhóm khó khăn nhất cả nước, Ninh Thuận đã có những bước tiến vượt bậc.

Thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 4.000 USD/năm và GDP tăng trung bình 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2024. Trong đó, năng lượng tái tạo với công suất trên 3.700MW của Ninh Thuận đang đứng đầu cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để triển khai Dự án, sau hơn 15 năm kể từ khi có Nghị quyết 41 của Quốc hội khóa XII năm 2009 về đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của 2 nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư.

Tỉnh đã và đang tiến hành các công việc với tinh thần "việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi," quyết tâm hoàn thành các nhà máy theo chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng.

Để đạt các mục tiêu đề ra, ông Trần Quốc Nam kiến nghị cần có cơ chế chính sách đặc thù và ưu tiên. Điều này là hết sức cần thiết và cấp bách phải được ban hành, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Bởi, Luật đất đai 2024 nếu thực hiện theo những quy định hiện hành sẽ khó có thể hoàn thành trong một năm.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030 - 2031, phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại kỳ họp này.

Qua đó, làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc quan trọng ban đầu của dự án.

Trong quá trình triển khai Dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikToker 'đổ bộ' màn ảnh Việt

GD&TĐ - Phim điện ảnh 'Mưa đỏ' (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) tái hiện 81 ngày đêm bi hùng ở Thành cổ Quảng Trị đã đóng máy.

Các giống vừng mới được chọn tạo.

Tạo giống vừng siêu năng suất

GD&TĐ - Hai giống vừng mới do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Quy Nhơn, Bình Định) chọn tạo cho năng suất cao hơn tới 44%...