Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh: Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 đến nay, năm nào Bộ cũng đưa ra những phương án tốt nhất, nghiêm túc nhất nhằm đạt 2 mục tiêu: Vừa xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, vừa làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Năm nay, dù không còn là kỳ thi “2 trong 1”, nhưng về cơ bản, cách thức tổ chức giữa Kỳ thi THPT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn giống nhau. Vì thế, Kỳ thi năm nay vẫn tạo được lòng tin của các cơ sở giáo dục đại học. Bằng chứng là hầu hết các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi làm phương thức tuyển sinh.
Đặc biệt, Kỳ thi đã được giao cho địa phương chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ về kỳ thi. Quyết định này hoàn toàn phù hợp, qua đó sẽ giúp địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm để tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn.
Hơn nữa, khi địa phương tổ chức kỳ thi, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về kỳ thi này, thì các sở, ban ngành trực thuộc UBND tỉnh sẽ phải vào cuộc để cùng tham gia tích cực, quyết liệt hơn.
Khi nhiệm vụ được san sẻ, cùng trách nhiệm thì việc tổ chức kỳ thi sẽ không còn quá nặng nề. “Việc cần làm lúc này là triển khai tổ chức thế nào để Kỳ thi diễn ra trung thực, khách quan, đáp ứng kỳ vọng của đồng bào cử tri cả nước” – đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai trao đổi.
Theo đại biểu, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không huy động giảng viên đại học về địa phương coi thi. Điều này cũng giảm bớt áp lực cho địa phương trong khâu tiếp đón. Tuy nhiên, chủ trương huy động giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh tra là giải pháp tốt và cần thiết. “Tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã chủ động về việc này” - Tăng Thị Ngọc Mai nói nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ:
Không phải có lực lượng thanh tra Bộ thì thanh tra tỉnh hay thanh tra sở sẽ mất đi vai trò, mà các lực lượng này sẽ phối hợp với nhau để làm tốt hơn và không bị chồng chéo.
Bản thân mỗi địa phương cũng phải làm tốt khâu chuẩn bị, trong đó có thanh tra, kiểm tra. Lực lượng thanh tra được Bộ huy động từ các trường đại học sẽ giống như chốt chặn cuối cùng để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
“Thanh tra của tỉnh, của sở vẫn là những đơn vị sâu sát thực tế nên cần chủ động và làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra trước kỳ thi, còn thanh tra của Bộ tập trung trong kỳ thi và sau kỳ thi” – đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai.
"Tôi nghĩ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất hợp lý, nên kỳ thi không còn là vấn đề phải bàn nhiều trong đổi mới giáo dục nữa, mà vấn đề hiện nay là phải đổi mới từ đội ngũ giáo viên, trong đó bắt đầu từ “máy cái” là các trường sư phạm; Phải làm sao để nâng cao đạo đức, tác phong của nhà giáo. Mục đích của chúng ta khi đổi mới kỳ thi là đảm bảo chất lượng giáo dục, để giáo dục ngày càng thực chất chứ không chỉ có số lượng"- đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai.