Đại biểu nhận định: Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và dành chính sách hỗ trợ trên mọi mặt của đời sống xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa và phải khẳng định rằng, đời sống của đồng bào đã có rất nhiều đổi thay.
Tuy nhiên theo đại biểu, để phát triển bền vững thì đồng bào phải có sự sinh kế một cách ổn định và phải có sự kết nối trong việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là những nông sản và các đặc sản đặc thù của vùng khí hậu đã tạo ra và phải kết nối được về công tác phát triển du lịch. Việc đó chỉ được thực hiện khi đường giao thông được kết nối.
Đại biểu Vương Ngọc Hà – đoàn Hà Giang. Ảnh: quochoi.vn |
“Trong thời gian vừa qua, với tình hình ngân sách rất khó khăn và thực tế, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hầu như không được khởi công các công trình mới. Ngân sách trung ương chỉ đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên, trong khi nhu cầu để chi đầu tư phát triển rất lớn, nhất là các công trình hạ tầng để đảm bảo cho giáo dục, y tế...
Tôi đề xuất như vậy, không phải đang đòi hỏi điều kiện làm việc cho các cán bộ. Các cán bộ vùng miền núi hầu như đã quen và biết cách vận dụng hoàn cảnh để hoàn thành tốt những công việc” - đại biểu Vương Ngọc Hà nói, đồng thời dẫn giải ví dụ:
Hình ảnh các thầy, cô giáo ngủ nhà tạm, nhà tranh, vách đất, giường gỗ trong khi để các học sinh được học và được ở những ngôi nhà tốt hơn có lẽ đã trả lời lên quen thuôc. Do đó việc xây dựng các công trình ở đây để tạo động lực cho phát triển kinh tế và phù hợp với quy hoạch.
“Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến về vấn đề chiếc bánh ngân sách. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có giải pháp phù hợp hơn. Cá nhân tôi xin được đề xuất, chúng ta cần thu hút và có cơ chế rất cụ thể để thu hút sự vào cuộc của các nhà đầu tư. Đầu tư vào các công trình, hạng mục này, Nhà nước sẽ thuê, mua lại dịch vụ. Chúng tôi thấy rằng nếu làm như vậy thì sẽ được cả hai phía” - đại biểu Vương Ngọc Hà nêu ý kiến.
Theo đại biểu, Nhà nước cần có trách nhiệm tạo môi trường vận hành theo tín hiệu của thị trường. Tất nhiên, để triển khai thực hiện được vấn đề đó thì phải có hành lang pháp lý minh bạch về đối tác công tư, để tránh những sai sót có thể xảy ra nhưng vẫn đạt được hiệu quả trong việc xây dựng các công trình. Đây là động lực để phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.