Đại biểu Quốc hội băn khoăn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải tỏa

GD&TĐ - Với tinh thần làm việc khẩn trương, trong hơn 3 tiếng đồng hồ sáng nay (23/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã lắng nghe và giải đáp thấu đáo câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, góp phần giải tỏa băn khoăn của đông đảo cử tri về Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có báo cáo, giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có báo cáo, giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Phiên họp diễn ra với sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi.

Không đóng cơ hội vào đại học với thí sinh thi cụm địa phương

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình đều thể hiện sự đồng thuận cao với việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nhắm tới 2 mục đích là xét cộng nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Trong quá trình đổi mới sẽ có nhiều vướng mắc, khó khăn, thậm chí kết quả không như mong muốn, nhưng vẫn phải làm. 

Tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức của Bộ GD&ĐT. Việc cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền để quyết tâm đổi mới” 

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông

Các đại biểu khẳng định, việc đổi mới này là cần thiết, góp phần giảm tốn kém cũng như áp lực cho thí sinh, xã hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn trước việc tổ chức thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì và cụm thi tại địa phương liệu có đảm bảo công bằng cho các thí sinh?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc tổ chức cụm thi ở địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh ở một số tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa không có nhu cầu vào đại học không phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác dự thi.

“Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, một huyện miền núi có khi lớn hơn cả một tỉnh dưới đồng bằng; trong khi có cháu chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp THPT. Tổ chức thi theo cụm địa phương là do chúng tôi nghĩ tới việc ấy.

Đảng và Nhà nước ta còn phải bỏ tiền để khuyến khích các cháu đi học, rồi khuyến khích điểm để cho các vào đại học; sức học yếu, phải đưa các cháu vào học dự bị nhằm tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Mong các đại biểu cân nhắc, chia sẻ vấn đề này” - Bộ trưởng bày tỏ.

Mặc dù khi thực hiện, khó khăn sẽ về phía Bộ GD&ĐT, nhưng Bộ trưởng khẳng định chắc chắn sẽ phải tính toán để tổ chức kỳ thi dù ở cụm nào cũng đảm bảo nghiêm túc, công bằng, không có chuyện dễ dãi.

Khi giao cho các trường ĐH chủ trì phụ trách các cụm thi thì đây sẽ là những đơn vị có đủ năng lực, chịu trách nhiệm chính về sự nghiêm túc, công bằng, khách quan của kỳ thi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với các trường ĐH để làm tốt việc này.

Đối với các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, Bộ cũng sẽ tham gia kiểm tra, thanh tra, không loại trừ việc Bộ sẽ cử các trường ĐH, CĐ cùng tham gia để cố gắng có được kết quả tin cậy.

“Chống tiêu cực là việc thường xuyên phải làm. Trong quá trình coi thi cũng phải thanh tra, kiểm tra; chấm thi cũng vậy, thậm chí đến khi thí sinh đã đỗ vào trường cũng vẫn phải thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đây là công việc rất kỳ công và xử lý như thế nào phải tùy từng trường hợp cụ thể, không thể nói khái quát” - Bộ trưởng cho biết.

Có đại biểu băn khoăn về cơ hội vào đại học của các thí sinh dự thi tại cụm địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh: Cơ hội vào đại học với những thí sinh này không đóng lại. Bộ GD&ĐT không ngăn cấm chuyện các trường đại học sử dụng kết quả thi tại cụm thi địa phương để xét tuyển.

Đổi mới có lộ trình, không gây sốc

Đại biểu Quốc hội băn khoăn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải tỏa ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐQH Đào Trọng Thi tổng hợp các ý kiến chất vấn 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Tất cả mọi việc phục vụ cho kỳ thi quốc gia đều được tổ chức đúng quy trình, đúng pháp lý. Chúng ta hoàn toàn đủ thời gian để ngành Giáo dục, với sự phối hợp các các cấp, các ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi.

Liên quan đến câu hỏi đây có phải là lần đổi mới cuối cùng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: Có 2 vấn đề, 2 khối lượng công việc khác nhau trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà chúng ta không thể lẫn lộn.

Khi chương trình, sách giáo khoa mới ban hành sẽ có phương án hoàn toàn mới. Nhưng với những học sinh vẫn học chương trình cũ, thầy cũ, không thể nói các cháu không được thay đổi gì, không thể để các cháu đứng ngoài cuộc.

Việc thi tốt nghiệp, tuyển sinh mới như thế nào, chúng ta đang xây dựng và ngày càng rõ. Chúng ta phải vừa làm vừa lớn lên, thầy cô cũng vậy, phải vừa làm vừa thay đổi phương pháp.

Năm sau, cũng tiếp tục có thay đổi, nhưng thay đổi đúng hướng, không phải hôm nay rẽ phải, mai lại rẽ trái rồi cuối cùng trở về chỗ cũ mà là đi theo lộ trình; là cải tạo cái cũ theo cái mới.

Bộ trưởng cho hay: Chúng ta đang bàn phương án thi quá độ, không thực hiện cái cũ nhưng cũng chưa đủ điều kiện thực hiện cái mới.

Đây không phải là phương án thi của chương trình, sách giáo khoa mới, nhưng âm hưởng của nó là như vậy và sẽ ngày càng rõ khi gần đến lứa học sinh được học chương trình và sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Phương án tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia là cách tiếp cận mới trên cơ sở những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, nhất là năm 2014.

Đây là phương án không dựa trên việc bỏ 1 trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà tổ chức một kỳ thi nhằm 2 mục đích, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả tin cậy.

Một số đại biểu lo lắng, nhiều trường đại học sẽ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia mà tổ chức thi riêng, dẫn đến cồng kềnh, tốn kém.

Bộ trưởng đã giải tỏa những băn khoăn này khi cho biết: Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường có đề án tuyển sinh riêng nhưng thực tế rất ít trường làm, chỉ một số ít những trường thực hiện tuyển sinh riêng, trong đó phần nhiều là trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Phương án thi mới cũng đã được tham khảo ý kiến rộng rãi, trong đó có các trường đại học, cao đẳng.

Liên quan đến tuyển sinh đại học, Bộ trưởng cũng cho biết thêm, khối thi sẽ không có nhiều thay đổi, có thể sẽ bổ sung thêm do sự thay đổi nhu cầu đầu vào nguồn nhân lực.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi chất vấn 

Đảm bảo quyền lợi, công bằng cho thí sinh với môn thi Ngoại ngữ

Một số đại biểu đưa ra câu hỏi với việc thi bắt buộc môn Ngoại ngữ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, phương án Ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc nhằm có quyết tâm chiến lược nâng cao chất lượng, hiệu quả trong dạy học môn học này.

Tuy nhiên, vẫn có quy định mở: Những học sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Cũng liên quan đến môn Ngoại ngữ, có đại biểu lo lắng việc Bộ GD&ĐT dự định miễn thi cho một số đối tượng dễ nảy sinh tiêu cực.

Bộ trưởng khẳng định sẽ có công bố cụ thể những đối tượng được miễn thi Ngoại ngữ và việc này sẽ được cân nhắc cẩn thận, chặt chẽ. Những đối tượng được miễn như các học sinh đoạt giải Olympic hoặc một số rất hạn chế chứng chỉ quốc tế đáng tin cậy.

Những thay đổi trong đề thi không gây khó thí sinh

Nhiều đại biểu chất vấn đề đề thi quốc gia sẽ được thiết kế như thế nào để đạt được 2 mục đích vừa xét tuyển tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ?

Bộ trưởng cho hay không thể giải thích cụ thể được vì là “bếp núc thi cử”, bí mật quốc gia.

Tuy vậy, Tư lệnh ngành Giáo dục cũng khẳng định những thay đổi trong đề thi không làm cho các học sinh bị sốc, bất ngờ, khó khăn, lúng túng mà sẽ tác động tích cực giống như kỳ thi của năm 2014, trên cơ sở khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc, mang tài liệu vào phòng thi không phát huy được và chủ yếu kiểm tra năng lực học sinh...

“Đề thi sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nhưng sẽ tăng ở mức độ vừa phải các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở theo định hướng đánh giá năng lực học sinh.

Đề cũng đảm bảo vừa có phần cơ bản để có thông số xét tốt nghiệp, vừa có phần phân hóa. Mà nói theo ngôn ngữ đời thường là có phần rất khó, khó và bình thường. Các kỳ thi năm 2014 đã làm được việc này” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ thêm.

Trở ngại lớn nhất là thói quen, sức ì

Trả lời câu hỏi của đại biểu về khó khăn lớn nhất khi triển khai đổi mới công tác thi cử, Bộ trưởng thẳng thắn: Khó khăn lớn nhất chính là sức ì và thói quen.

Tư lệnh Ngành đưa ra ví dụ: Khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29, chúng tôi đã thực hiện giảm tải, thực hiện đổi mới từng chút một đổi mới thi cử, khi đó có ý kiến sốt ruột, nói đổi mới liên tục, vụn vặt. Nhưng năm nay, đổi mới cũng chưa phải lớn lắm lại có ý kiến cho rằng gây sốc. Đây là thói quen nhận thức.

Còn trong ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng, khó khăn ở việc cách dạy, cách học truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt, bây giờ chúng ta phải thay đổi. 

Có thể quan điểm nhận thức sẽ rất thông, nhưng phản ứng tự nhiên, cụ thể có khi lại không như vậy. Nên, cái khó nhất hiện nay chính là thay đổi nhận thức và tư duy.

“Làm sao chúng tôi phải làm được cho khoảng 2 triệu thầy cô giáo hiểu thống nhất như nhau; từ đó có khoảng 20 triệu học sinh cùng hiểu theo hướng đó; rồi tiếp đến là mấy chục triệu phụ huynh học sinh cũng hiểu. Đó là khó khăn nhất” - Bộ trưởng giãi bày.

Trước khó khăn này, theo Bộ trưởng, về phía Ngành sẽ chủ động tuyên truyền, giải thích, lắng nghe các lo lắng, băn khoăn. Cái gì đúng sẽ điều chỉnh, bổ sung, điều gì đã tính toán rồi sẽ cung cấp thông tin, chia sẻ để xã hội yên tâm.

Tổng kết các ý kiến đại biểu tham gia phiên chất vấn, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhận định: Những giải đáp của Bộ trưởng khá rõ ràng, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu; bởi vậy,cũng góp phần giải tỏa băn khoăn của đông đảo các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri.

Đa số đại biểu thừa nhận việc tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia nhắm đến 2 mục đích xét tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng là rất cần thiết và nếu thực hiện tốt sẽ góp phần giảm áp lực, tốn kém cho xã hội và là một bước để chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương.

Tổng kết lại những vấn đề các đại biểu trao đổi, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi đồng thời đưa ra một số ý kiến góp ý với Bộ GD&ĐT, triển khai Kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.