Sáng nay (31/10), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.
Tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra sôi động
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Đoàn Ninh Thuận ghi nhận quyết tâm rất lớn của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong điều hành KTXH, khi năm nay 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Thứ nhất, tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra và diễn ra rất sôi động, gây thiệt hại cho nền kinh tế, xã hội. Song vẫn chưa có một cơ quan nào thống kê về thiệt hại này.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - cho biết, ông đã đi thực tế một số tỉnh ở phía Nam. Qua chuyến đi thực tế đại biểu thấy hoạt động buôn lậu diễn ra khá sôi động và công khai, như ở Châu Đốc buôn lậu thuốc lá chở xe máy từ 4 giờ sáng. Ông cũng dẫn chứng trước Quốc hội là mình đã từng mua được một túi thuốc lá lậu.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, trong những ngày đó ông chỉ mong một lần được gặp các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên không thấy. Đại biểu không phủ nhận kết của lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, nhưng thực tế nếu như không tăng cường kiểm tra thì tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng, nhất là trong những dịp tết âm lịch.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng băn khoăn với giải pháp tăng thuế thuốc lá, vì cho rằng nếu không nghiên cứu, xem xét kỹ thì vô tình lại kích cầu cho thuốc lá lậu phát triển. Vì hiện nay, một bao thuốc lá ở Việt Nam có giá rẻ nhất cũng khoảng 10.000đ, trong khí thuốc lá lậu chỉ có 4.00đ/bao.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu thảo luận tại hội trường |
Nạn phá rừng hoành hành
Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, nạn phá rừng cũng là một trong những minh chứng cho tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Trong khi Chính phủ yêu cầu bảo vệ rừng tự nhiên thì những vụ phá rừng lớn trong thời gian qua lại đang vô hiệu hóa các quyết định của chính phủ.
Đại biểu –cho biết: Vừa rồi có gặp gỡ các chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe họ nói mới biết trồng rừng đã khó, giữ được rừng còn khó khăn biết chừng nào và nếu như không yêu rừng thì không thể làm được.
Với kinh nghiệm thực tế của chủ doanh nghiệp rừng đó thì nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại, của kiểm lâm thì lâm tặc không thể hoạt động như vậy. Một cây to có đường 1m thì phải mất 70 năm đến 100 năm mới có được nhưng với lâm tặc thì không có nghĩa lý gì.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng thông tin thêm: Mỗi một đêm có khoảng 80 – 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm 300 nghìn đến – 400 nghìn.
“Nếu cảnh phá rừng tan hoang, rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết bao giờ nạn phá rừng mới hết” - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề.