Nay làm chức này, mai làm chức khác là chuyện bình thường
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế bao giờ cũng có tâm tư trong đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu như quá trình này làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ công chức thấy hợp lý thì họ cũng chia sẻ và cùng hi sinh.
Hà Nội đã tuyên truyền, minh bạch nên anh em không tâm tư. Như quá trình sắp sếp Ban quản lý dự án của Thành phố, có người nói là hợp lý bởi cả năm họ chỉ có 1đến 2 dự án, trong khi phải nuôi mấy chục người.
"Thực tế, một người đang là trưởng phòng đưa xuống làm phó phòng, phó phòng làm chuyên viên thì ai cũng có tâm tư, bởi phía sau họ có cả gia đình, vợ con. Điều này cũng phải làm cho người ta hiểu, chia sẻ với mình, thậm chí cả gia đình họ cũng phải được giải thích" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ.
Cũng theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, việc sắp xếp nhân sự như hôm nay làm chức này, ngày mai làm chức khác cũng là chuyện bình thường, không phải cái gì ghê gớm. Đây cũng không phải kỷ luật mà là sắp xếp lại vị trí không còn cần thiết nữa trong bộ máy.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10. Ảnh: VnExpress |
"Việc sắp xếp đó phải minh bạch, đừng vì người này hạ người khác xuống, tránh để mọi người cảm thấy bị đối xử không công bằng. Đây là vấn đề khó, Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện, bởi nhiều vấn đề tồn tại trong những năm qua phải giải quyết dần dần chứ không phải một mẩu giấy A4 là làm xong" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải - cho biết thêm: Quá trình thực hiện nghị quyết 39 trong vòng 5 năm, chứ không phải 1-2 năm mà đã xuống 10%. Nhiệm vụ thực hiện giảm 10%, trong đó có cả lực lượng sự nghiệp, chứ không phải chỉ có công chức.
Hiện TP Hà Nội đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện. Tức một người tự nguyện xin nghỉ làm việc thì có cơ chế hỗ trợ thêm như thế nào ngoài những chính sách của Nhà nước. Thường các nước làm theo sơ đồ như vậy, đây là sơ đồ rất nhân văn.
Có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo
Liên quan đến chính sách tinh giản biên chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - bày tỏ: Cái bánh ngân sách dù trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay. Tuy nhiên, bánh chia kiểu nào cũng không đủ, rất muốn tăng tỉ trọng cho đầu tư phát triển thì chi cho hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ co kéo mãi.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương thẳng thắn nêu quan điểm: 5 năm tinh giản biên chế, bộ máy không gọn lại mà phình ra, cho thấy pháp luật vẫn còn kẽ hở. So với nhiều nước, lượng công chức của chúng ta quá lớn, có tới 31/63 tỉnh thành sử dụng vượt biên chế hơn 6.300 người.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: Vietnamnet |
Ông Phương dẫn chứng thực trạng có một số chức danh không đúng quy định như "hàm vụ trưởng", "hàm vụ phó"... Có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo mà không có nhân viên, nhưng thời gian dài không ai bị nhắc nhở, phê bình .
Nhìn nhận vấn đề tinh giản biên chế là "đụng đến con người", Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà lưu ý, nếu làm không khéo dễ bị phản ứng.
Vì thế đối với các nhiệm vụ nhà nước không cần thiết thực hiện thì đẩy mạnh xã hội hoá. Qua đó, công chức sẽ chọn cho mình con đường khác, không nhất thiết bám trụ trong Nhà nước với lương thấp.