Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vấn đề chống lãng phí

GD&TĐ - Góp ý vào dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng - Nam Định đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2022 vấn đề chống lãng phí.

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng - Nam Định phát biểu tại nghị trường.
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng - Nam Định phát biểu tại nghị trường.

Qua nghiên cứu Tờ trình số 888 về Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhất trí với các nội dung trong tờ trình và dự thảo Nghị quyết.

Ông Dũng cũng góp ý vào việc giám sát, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Theo phụ lục 03 đã chỉ ra, nhiều lĩnh vực còn xảy ra lãng phí, vi phạm định mức tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm kế hoạch, tiến độ gây ảnh hưởng đến các kế hoạch, đề án phát triển khác.

Để làm rõ hơn về chuyên đề giám sát này, ông Dũng đề cập đến một câu chuyện nhỏ về thực hiện tiết kiệm điện mà ông đã được xem qua truyền hình từ lâu. Đó là lãnh đạo ngành điện giải thích làm rõ ý nghĩa, tác dụng của một hộ gia đình sử dụng điện tiết kiệm, không bật đèn tràn lan, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp thì không chỉ giảm chi phí chi trả cho mình, tức là tiết kiệm chi phí, mà phần điện không dùng đến sẽ dành cho các hộ khác có nhu cầu cấp thiết hơn. Tức là làm lợi cho cộng đồng chứ không nên sử dụng theo cách tôi trả tiền, tôi dùng thoải mái.

“Tôi rất tâm đắc với câu chuyện này, nhờ đó đã giúp tôi sử dụng điện, nước một cách rất tiết kiệm, vì tôi luôn nhớ đến tác dụng của việc tiết kiệm điện như ví dụ nêu trên. Ông bà chúng ta có câu: "tích tiểu thành đại". Với sự phát triển kinh tế như hiện nay, cộng với sự tiết kiệm của mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp, tôi cho rằng như thế sẽ sớm giúp đất nước phồn vinh” – ông Dũng nói.

Đại biểu đoàn Nam Định cũng hy vọng qua giám sát chuyên đề này, không chỉ chấn chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý trong công tác này, mà còn ghi vào tâm thức mỗi cá nhân về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ làm lợi cho chính mình, cho gia đình mình mà còn làm lợi cho cộng đồng và xã hội. Ông Dũng đã đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2022.

Ông Dũng cũng góp ý về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Nam Định là tỉnh có một số xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2016-2021. Sau khi có chỉ đạo của Trung ương thì lãnh đạo tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, rất quyết liệt, cụ thể, sâu sát, chặt chẽ và thường xuyên. Nhưng có đơn vị chưa thành công trong sắp xếp, thực sự đã có những vướng mắc trên thực tế dẫn đến việc chưa thành công này.

Ví dụ như, thứ nhất là về thống kê dân số, cơ quan thống kê thì đưa ra một con số nhưng nhân dân địa phương cho rằng số dân phải nhiều hơn con số của cơ quan thống kê. Từ đó, người dân chưa ủng hộ việc sắp xếp vì cho rằng số dân của xã mình đã đáp ứng tiêu chuẩn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định.

Thứ hai, về lấy ý kiến cử tri. Mặc dù cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ việc sắp xếp không đạt 50% cho nên không sắp xếp được.

Ngoài ra, còn có những khó khăn khác như về tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp cũng tạo nên dư luận trong nhân dân, về vị trí đặt trụ sở ủy ban xã, xử lý đất đai trụ sở dôi dư cũng phải tính toán, cũng gặp không ít khó khăn.

Vì những khó khăn, vướng mắc đó, ông Dũng cho rằng, cần thiết lựa chọn chuyên đề vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022. Đại biểu Nam Định mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đó cho địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ