Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát bổ nhiệm cán bộ từ vụ "bánh mì không phải thực phẩm"

GD&TĐ - Từ vụ "bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu", đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn đại biểu Cà Mau), đề nghị Quốc hội giám sát việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu ví dụ về vụ "bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu".
Đại biểu Lê Thanh Vân nêu ví dụ về vụ "bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu".

Giám sát việc bổ nhiệm

Phát biểu tại nghị trường Kỳ họp thứ nhất, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề giám sát về hành chính và giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí bằng 2 chuyên đề “thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ” và “thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Ví dụ cho việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, ông Vân nhắc câu chuyện về nhận thức của Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa nói rằng "bánh mì không phải lương thực thiết yếu" thời gian gần đây. Ông Vân cũng lấy ví dụ về một đại biểu bầu ra nhưng không đủ tư cách vì vi phạm trước đó rất nhiều năm.

"Điều đó cho thấy việc triển khai các quy định về tổ chức nhân sự có những lúc tùy tiện, thiếu quyết đoán, không chọn đúng người. Nếu giám sát chuyên đề này có kết quả, sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Chính phủ sốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chiến lược 5 năm", ông Vân nhấn mạnh.

Chuyên đề thứ hai được ông Vân đề xuất là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng ít kiểm tra, ít giám sát", ông Vân nói.

Cần có kịch bản cho việc giám sát

Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các đoàn giám sát. Chính vì vậy phải có kịch bản cho việc đi lại, giám sát, bố trí nhân sự đối với các đoàn giám sát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Theo ông Ngân, đối với tiền giám sát, cần phải có số lượng báo cáo đầy đủ cho các thành viên của đoàn giám sát để từ đó có sự tư vấn từ các chuyên gia về lĩnh vực được giám sát, giúp cho đoàn có cơ sở khoa học để tiến hành giám sát.

Về hậu giám sát, ông Ngân nêu thực trạng vừa qua, báo cáo việc này rất ít. Có nhiều đoàn giám sát không biết địa phương, đơn vị đã thực hiện những vấn đề được chỉ ra trong quá trình giám sát như thế nào.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh Covid-19 kéo dài hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng.

Tại nghị trường, đại biểu Lê Hoài Trung (đoàn đại biểu Thừa Thiên - Huế) cho rằng, những vấn đề được đưa ra để giám sát chuyên đề đều là các vấn đề quan trọng.

Đại biểu Lê Hoài Trung
 Đại biểu Lê Hoài Trung

Theo đại biểu Lê Hoài Trung, thứ nhất, vấn đề xử lý đại dịch COVID trong thời gian vừa qua, hy vọng năm 2021 cơ bản chúng ta kiểm soát được. Từ đó, hướng đến năm 2022, sẽ có phương án khắc phục những hậu quả, tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng chống chịu và phòng những sự kiện như vậy trong thời gian tới.

Thứ hai, ông Trung cho rằng, cần phải làm gì cả về phát triển kinh tế - xã hội, cả về hội nhập quốc tế để thực hiện mục tiêu đề ra là đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại và thu nhập vượt mức trung bình thấp.

“Giám sát ở đây không phải có nghĩa chỉ phát hiện những chưa đúng, những điều rất quan trọng là thấy được những gì mà về phần Quốc hội và hệ thống chính trị có thể làm để hỗ trợ các cơ quan, trong đó có các cơ quan của Chính phủ để giải quyết vấn đề này. Tôi nghĩ không nhất thiết làm một giám sát chuyên đề nhưng nội dung đó làm sao phản ánh được nhiều hơn trong các hoạt động có liên quan đến giám sát” – Ông Trung nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...