Sau khi một số đối tác cấm xuất khẩu UAV tầm xa sang Ukraine, giới quân sự Mỹ nhận thấy các nhà sản xuất vũ khí nước này khó có thể cung cấp UAV cho quân đội Ukraine nhằm lấp đầy khoảng trống đó.
Theo ông David T. Pyne, Phó Giám đốc điều hành Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa Mỹ (EMP), các nhà sản xuất vũ khí nước này từ lâu đã tập trung vào ưu thế về chất lượng của các hệ thống của họ trong khi Nga và một số đối thủ khác lại tập trung vào chức năng và số lượng.
"Trong giai đoạn sau của Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Mỹ tập trung vào sản xuất các hệ thống vũ khí công nghệ cao đắt tiền hơn, vượt trội về chất lượng so với các hệ thống của Liên Xô trong hầu hết các lĩnh vực trong khi Liên Xô bù đắp cho ưu thế công nghệ của Mỹ bằng hiệu quả với chi phí rẻ hơn đáng kể.
Mặc dù Nga đã bắt kịp Mỹ về mặt công nghệ, nhưng tôi nghĩ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng vẫn tiếp tục đúng ở Mỹ khi chúng ta tiếp tục ưu tiên nhiều thiết bị công nghệ cao hơn mặc dù tốn nhiều tiền hơn để sản xuất", ông Pyne nói.
Theo Pyne, Nga dường như có cách sử dụng ngân sách quân sự hiệu quả hơn nhiều so với Mỹ bởi vì chi phí mua sắm, sản xuất và nhân sự của họ thấp hơn.
Cách Nga đối phó với UAV Mỹ
Các hệ thống tác chiến điện tử (EW), hệ thống phòng không và máy bay của Nga được cho là đặt ra một thách thức khác đối với các phương tiện không người lái do Mỹ và cả NATO sản xuất.
"Khả năng tác chiến điện tử của Nga vẫn là tốt nhất trên thế giới trên phổ điện từ", học giả Lực lượng Đặc nhiệm EMP nhấn mạnh.
"Tôi nghĩ rằng các hệ thống EW của Nga vẫn có hiệu quả cao đối với máy bay không người lái do Mỹ chế tạo mặc dù các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Mỹ đang giúp Ukraine học cách chống lại thiết bị gây nhiễu GPS của Nga một cách hiệu quả", ông Pyne thừa nhận.
Theo vị chuyên gia này, nếu thiết bị gây nhiễu của Nga không thể vô hiệu hóa máy bay không người lái của Ukraine, quốc gia này sẽ có một số quân bài khác trong tay.
"Nga đã phát triển các radar chống máy bay không người lái để phát hiện và nhắm mục tiêu các máy bay không người lái đang bay tới bằng cách sử dụng một số hệ thống vũ khí chống máy bay không người lái (C-UAS) có khả năng bắn hạ các UAV của Ukraine di chuyển tương đối chậm và do đó dễ bị tấn công bởi nhiều loại vũ khí chống máy bay của Nga.
Một số trong số này bao gồm súng máy hạng nặng NSV 12,7 mm và KPVT 14,5 mm đa năng gắn trên xe và pháo tự động 30 mm gắn trên xe chiến đấu bộ binh BMP-2, BMP-3 và BTR-90 của Nga cũng như tên lửa phòng không Pantsir-S1M và các hệ thống súng, được thiết kế để sử dụng chống lại máy bay, phương tiện mặt đất.
Những hệ thống khác bao gồm hệ thống vũ khí chống thiết giáp/chống máy bay không người lái Derivation 57mm mới của Nga", David T. Pyne nói.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các máy bay chiến đấu của Nga cũng đã thể hiện khả năng đánh chặn các UAV trinh sát và chiến đấu cỡ lớn trong cuộc xung đột với Ukraine.
Hồi giữa tháng 3, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã phát hiện một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trên Biển Đen ở khu vực gần bán đảo Crimea. MQ-9 Reaper là máy bay không người lái trinh sát và tấn công có sải cánh dài 20 m, trọng lượng tối đa 4,7 tấn và thời gian hoạt động 27 giờ.
Máy bay không người lái đang bay với bộ tiếp sóng bị tắt theo hướng biên giới Nga. Sau khi UAV vi phạm ranh giới của khu vực chế độ tạm thời sử dụng không phận, được thành lập với mục đích tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt, các máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã tiếp cận để đối phó máy bay lạ.
Chiếc MQ-9 Reaper đã bị ép phải đối hướng bay để rời xa không phận Nga trên bán đảo mà không sử dụng vũ khí trên không hoặc tiếp xúc với máy bay không người lái.
Hình ảnh được Lực lượng Không quân Mỹ công bố về cuộc chạm trán giữa Reaper với Su-27 dường như cho thấy tiêm kích Nga tiếp cận máy bay không người lái và thực hiện cuộc 'diễn tập đổ nhiên liệu', điều này rõ ràng đã khiến động cơ của chiếc MQ-9 gặp vấn đề nghiêm trọng.
Đến đầu tháng 8/2023, một máy bay chiến đấu Su-30 của Nga đã xuất kích để đánh chặn một máy bay không người lái MQ-9A Reaper của Mỹ khi nó tiếp cận vùng biển của Nga ở Biển Đen. Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi phát hiện ra máy bay phản lực của Nga, Reaper đã rời khỏi khu vực và không vi phạm không phận Nga.
Cuộc phản công của Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh
Cuộc phản công không mang lại kết quả như kỳ vọng của Ukraine đã đặt ra câu hỏi liệu việc tăng cường cung cấp UAV cho Kiev có thể thay đổi cục diện chiến trường hay không.
Ngay cả báo chí chính thống của Mỹ, vốn từng ca ngợi sức mạnh quân sự và sự tháo vát của Ukraine, giờ cũng chuyển sang giọng điệu ảm đạm.
"Các phương tiện truyền thông phương Tây ngày càng đưa tin về thực tế là cuộc phản công tốn kém vào mùa hè của Ukraine đang thất bại nặng nề và tình hình ở Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng", ông Pyne nói.
"Một báo cáo được Lầu Năm Góc công bố gần đây lập luận một cách đáng tin cậy rằng, đến nay, Ukraine đã mất ít nhất 200.000 binh sĩ và giải thích lý do tại sao sẽ có lợi hơn cho Nga nếu tiếp tục ở thế phòng thủ.
Khi đó, Nga làm kiệt quệ lực lượng quân sự Ukraine trước khi lực lượng Nga quay trở lại cuộc tấn công trong đầu mùa thu hoặc mùa đông. Các cuộc phản công của Ukraine đã kết thúc và lực lượng dự trữ quân đội của họ đã được sử dụng hết", Pyne cho biết.
Chuyên gia quân sự kỳ vọng rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ kết thúc nhanh hơn dự đoán của các quan chức chính quyền Tổng thống Biden.
"Theo đánh giá của tôi, Ukraine có thể sẽ buộc phải chấp nhận một thỏa thuận đình chiến dọc theo đường kiểm soát tồn tại vào thời điểm ngừng bắn không muộn hơn tháng 3 năm sau, đặc biệt là với thực tế Mỹ sẽ không hỗ trợ thêm bất kỳ khoản tài chính nào.
Hỗ trợ quân sự hoặc thậm chí nhân đạo cho Ukraine đã giảm dần, gây áp lực lên Quốc hội Mỹ để giảm mọi hỗ trợ trong tương lai xuống mức tối thiểu", Pyne kết luận.