Muôn niềm vui...…
NSƯT Trần Hạnh - một trong 46 cá nhân được đặc cách xét tặng danh hiệu đợt này - bảo rằng, cuối cùng ông cũng đã được nhận danh hiệu NSND sau mấy lần hồ sơ bị… trượt. Đây cũng là niềm động viên lớn lao khi ông bước sang tuổi 90. “Tôi sẽ cố gắng đến Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận danh hiệu. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng tôi đã có các con hỗ trợ”, nghệ sĩ Trần Hạnh nói.
Nghệ sĩ Hồng Ngát, diễn viên Đoàn kịch nói Nam Định, nổi danh với những vai diễn như tân chủ tịch huyện Duyên trong vở “Sau cơn giông” (HCV), vai Diệp trong vở “Ai là thủ phạm” (HCB) chia sẻ, chị rất vui và cảm động khi được đón nhận danh hiệu NSƯT đặc cách của Đảng, Nhà nước. “Với tôi, danh hiệu đem đến niềm vinh hạnh cũng như sự động viên, khích lệ để tôi tâm huyết, nỗ lực, cố gắng hơn. Đây cũng là dấu mốc quan trọng nên tôi tiếp tục đặt cho mình những trách nhiệm mới cho chặng đường sáng tạo nghệ thuật tiếp theo” - NSƯT Hồng Ngát bày tỏ.
Ngày 12/8 vừa qua, Chủ tịch Nước đã ký Quyết định số 1358/QĐ-CTN và Quyết định số 1359/QĐ-CTN về việc truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 391 nghệ sĩ. Trong đó, 199 nghệ sĩ (chiếm hơn 50%) được đặc cách truy tặng, phong tặng các danh hiệu cao quý đó. Đây là những cá nhân đã được Chính phủ ra Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 18/7/2019 đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nghị quyết số 54 nêu rõ, việc đề nghị xét đặc cách này được đưa ra trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Những trường hợp này dù hồ sơ không đáp ứng đủ theo quy định như về số lượng huy chương… song đều là những người có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Dự kiến, lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 2/9.
Có thể thấy, đây là đợt đặc cách truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ với số lượng không nhỏ mà vẫn nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn cũng như công chúng. Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, việc đặc cách của Nhà nước rất kịp thời và những cá nhân được nhận niềm vinh dự này đều là những nghệ sĩ được công chúng mến mộ.
“Có những nghệ sĩ không đủ huy chương, hoặc không đủ tiêu chí “phần cứng”, nếu cứ chiếu theo quy định mà xét thì rất thiệt thòi. Cũng vì nhiều nghệ sĩ không tham gia hội diễn, cuộc thi, liên hoan nhưng vẫn làm thầy, vẫn ngày ngày trao truyền nghề cho lớp trẻ; cũng có những nghệ sĩ có vai diễn để đời mà trong nghề như chúng tôi cũng phải phục, nhân dân hâm mộ, thậm chí thần tượng thì vẫn rất xứng đáng được đặc cách” - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.
NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam hân hoan nói rằng, việc Đảng, Nhà nước đặc cách truy tặng, trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ là rất hợp lý và thỏa lòng dân. Vì, trong loại hình nghệ thuật cải lương, những nghệ sĩ gạo cội có giọng ca vàng như: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu cũng được đặc cách đợt này… dù không có đủ huy chương ở các hội diễn, cuộc thi, liên hoan. Họ đã giành được tấm huy chương danh giá nhất trong lòng công chúng và luôn là những người thầy mà thế hệ trẻ ngưỡng mộ, noi theo.
NSND Hoàng Quỳnh Mai cho rằng: “Những quy định cơ bản của Nhà nước để xét danh hiệu vẫn phải có vì đó là cái chung. Nhưng trong cái chung đó vẫn phải xét đến những trường hợp đặc biệt để đặc cách như họ là những nghệ sĩ được cả giới và công chúng ghi nhận từ những năm tháng cống hiến miệt mài, từ sức lan tỏa bằng tài năng nghệ thuật”.
Còn chút...ngậm ngùi!
Nhắc đến trường hợp NSƯT Xuân Hanh (Nhà hát Chèo Hà Nội), NSND Trần Quốc Chiêm bày tỏ sự đáng tiếc khi hiện nay những người làm công việc chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản tuồng, chèo, cải lương như ông vẫn chưa được nằm trong tiêu chí xét thưởng. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, đây là một mắt xích sáng tạo vô cùng quan trọng trong cả ê-kíp sáng tạo vở diễn. Vì không đạo diễn hay diễn viên kịch hát dân tộc nào có thể dàn dựng, biểu diễn từ kịch bản văn học ban đầu. Một vở diễn của loại hình kịch hát chỉ có thể đưa lên sân khấu khi đã có kịch bản chuyển thể sang chèo, sang tuồng hoặc cải lương.
“NSƯT Xuân Hanh là người không chỉ có giọng hát chèo hay, diễn xuất giỏi mà còn chuyển thể thành công nhiều kịch bản văn học sang kịch bản chèo cho các nhà hát như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Quân đội… Nhiều kịch bản chuyển thể của ông được các đoàn dàn dựng và giành huy chương vàng, bạc ở các cuộc thi, hội diễn. Thế nhưng, vai trò chuyển thể không được ghi nhận nên hồ sơ của ông không đủ tiêu chuẩn - thiếu huy chương.
Thực ra, NSƯT Xuân Hanh chỉ là một trường hợp cụ thể chứ còn có nhiều nghệ sĩ khác cũng âm thầm làm công việc chuyển thể rất giỏi mà không được ghi nhận. Trong khi đó, chuyển thể cũng là một công việc sáng tạo không dễ nên nếu không được ghi nhận thì không công bằng. Theo tôi, Nghị định 89 nên sửa đổi và bổ sung thêm về điều này”, NSND Trần Quốc Chiêm đề xuất.
NSND Hoàng Quỳnh Mai thì nhắc đến trường hợp NSƯT Út Bạch Lan với niềm ngậm ngùi vì cho rằng nghệ sĩ này rất xứng đáng để được đặc cách trao tặng danh hiệu NSND ngay từ khi bà còn sống. Thế nhưng, tiếc thay vì sự cứng nhắc cứ chiếu theo quy định khiến cho lúc nghệ sĩ đã đi xa thì mới được đề nghị làm hồ sơ xin truy tặng. Và, gia đình của nghệ sĩ đã từ chối vì danh hiệu chỉ có thể mang niềm hạnh phúc lớn lao khi nghệ sĩ còn sống! Hay như trường hợp của NSND Giang Châu nếu như ở các kỳ xét duyệt trước, hồ sơ của ông sớm được đặc cách trao tặng thì đâu phải để đến kỳ này trở thành đặc cách truy tặng vì ông vừa mới… đi xa.