Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết đã có 42 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Tổng số vắc xin đã tiêm được là 4.888.994 liều, trong đó có 3.980.658 liều mũi 1 và 908.336 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin là 43,6% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 9,9% dân số từ 12 -17 tuổi
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin cho người dân.
Về phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin, theo TS. Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với trẻ từ 16-17 đã nhận biết đầy đủ về những thay đổi khác thường trong cơ thể sau khi tiêm chủng, mặc dù vậy cha mẹ cũng cần đồng hành cùng con và tư vấn cho con về các dấu hiệu, các phản ứng sau tiêm, những thay đổi khác thường của con sau tiêm báo với cha mẹ để cùng nhau giải quyết.
Phản ứng thường gặp có thể xảy ra sau tiêm ở trẻ:
Các phản ứng phụ nhẹ có thể xảy ra sau 1-2 ngày: Trẻ thấy đau tại vùng tiêm, sưng, thay đổi màu sắc (đỏ , tím tại chỗ tiêm), mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau khớp, ớn lạnh, sốt nhẹ . Đây là những phản ứng thông thường nên cha mẹ và trẻ không quá lo lắng.
Đối với các phản ứng này, cha mẹ nên khuyên con hạn chế cử động vùng tiêm để giảm bớt triệu chứng. Có thể dùng thuốc hạ sốt để uống khi sốt/giảm đau.
Các phản ứng sau tiêm thường xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc 24 giờ sau tiêm, một số trường hợp có thể kéo dài 72 giờ. Vì thế cần theo dõi kĩ trong ba ngày đầu để ý những phản ứng nguy hiểm xảy ra sau tiêm với trẻ.
Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng mặc dù là không phổ biến như: nổi mề đay, sưng hạch cổ họng/miệng, khó thở, lơ mơ, ngủ gà ngủ gật, sốt cao trên 40 độ, co giật hoặc tê bì tay chân. Khi có những phản ứng này cần báo ngay với đơn vị tiêm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.
Bên cạnh đó, cần theo dõi triệu chứng sau tiêm (ít xảy ra) như là tức ngực, khó thở, đánh trống ngực... Khi xuất hiện các triệu chứng trên các em cũng nên thông báo sớm cho cha mẹ hoặc người giám hộ được biết.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng sau tiêm cũng cần được lưu tâm. Cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất đạm, protein, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, trái cây... tránh hoạt động mạnh quá mức, không tập luyện nặng....
Một điều nữa mà các bậc cha mẹ hay băn khoăn đó là việc tiêm kết hợp vắc xin phòng covid với các vắc xin phòng bệnh khác có tương tác hay ảnh hưởng gì không? Câu trả lời là vắc xin covid không là vắc xin sống nên là về nguyên tắc nó có thể tiêm cùng với bất kì loại vắc xin khác tại cùng một thời điểm, thường sẽ tiêm ở hai vị trí khác nhau.