Những yếu tố khiến bạn bị nhiễm Covid-19 dù đã tiêm 2 mũi vắc xin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm Covid-19 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn có khả năng mắc và lây bệnh cho người khác

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.

Trao đổi về vấn đề này, thông tin trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần phải xác định tiêm 2 mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít trở nặng.

Tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19 theo các báo cáo khoa học là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi.

Song người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Vì thế, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dù có ưu tiên đi làm dịch vụ thì những người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Tiến sĩ Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thêm, hiện tại Bộ Y tế đã có hướng dẫn về giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

“Riêng đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 trong nước, do diễn biến dịch bệnh đang phức tạp nên cần hiểu rằng việc tiêm đủ mũi vắc xin là để người đã tiêm tăng miễn dịch với Covid-19 và giúp người đó nếu có mắc Covid-19 thì cũng có triệu chứng nhẹ và giảm nguy cơ tăng nặng so với những người chưa được tiêm”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Vì vậy, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, tiêm đủ 2 mũi vắc xin không có nghĩa là không có nguy cơ mắc Covid-19. Do đó, những người đã tiêm đủ mũi vắc xin không nên chủ quan mà cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tuân thủ 5K, chứ không phải cứ tiêm đủ vắc xin là tự do đi lại và lơ là các biện pháp phòng, chống dịch.

Trên thực tế cho thấy tại một số quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vắc xin cao nên đã mở cửa, nhưng sau khi mở của đã ghi nhận trường hợp mắc tăng lên hàng ngày. Do đó, các quốc gia này đã siết chặt lại các biện pháp phòng dịch và kéo dài thêm thời gian giãn cách...

Về tình hình cung ứng vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin Covid-19 (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc xin nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vắc xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. 

Không có vắc xin nào hiệu quả bảo vệ 100%

Trao đổi với báo chí, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khẳng định, không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%.

Với vắc xin phòng Covid-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85-87%. Vì vậy, kể cả tiêm đủ hai mũi vắc xin cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người.

Trong 8 loại vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta, vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được tiêm nhiều nhất.

Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

"Do đó, không phải cứ tiêm vắc xin là không thể mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu người dân được tiêm vắc xin sẽ giúp khi mắc bệnh không chuyển biến nặng, giảm nguy cơ tử vong", ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, cần xác định tiêm hai mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng.

"Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thông tin trên báo Việt Nam Net cho biết, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người đã tiêm vắc xin. Lý do chính là các biến thể mới có khả năng lây truyền cao và tránh được khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra. Vắc xin Covid-19 được phát triển dựa trên chủng virus ban đầu nên các biến thể mới có thể né tránh kháng thể do vắc xin cung cấp.

Hệ miễn dịch của một người cũng đóng vai trò quan trọng. Những người có khả năng miễn dịch suy giảm dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn. Các kháng thể họ nhận được từ vắc xin suy yếu nhanh hơn theo thời gian. Đó là lý do nhiều quốc gia thảo luận về nhu cầu tiêm nhắc lại.

Ngoài hai yếu tố quan trọng trên, loại vắc xin và thời gian kể từ khi bạn tiêm cũng ảnh hưởng đến khả năng mắc Covid-19 sau khi chủng ngừa.

Một phát hiện gần đây cho thấy người nghiện thuốc lá, rượu, ma túy dễ bị Covid-19 hơn.

Tuân thủ quy định "5K"

Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 trên toàn quốc đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin đã chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Về vấn đề này, thông tin trên báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vắc xin thì không thể nhiễm bệnh. Đó thực sự là sai lầm. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch.

"Vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống vi rút ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm bệnh. Có những nghiên cứu cho rằng có những trường hợp khi nhiễm, nồng độ vi rút ở hầu họng của người tiêm và chưa tiêm giống nhau. Do đó, người tiêm khi nhiễm sẽ truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là truyền bệnh cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Bởi vì với người già, người có bệnh nền khi nhiễm vi rút dễ mắc nặng và tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.

Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn đối với người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin để họ có thể đi lại, làm việc. Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp thẻ xanh cho người đã tiêm mũi một vắc xin.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội không nên nóng vội khi đa số người dân mới vừa được tiêm một mũi vắc xin. Trước diễn biến dịch trên thế giới cũng như trong nước còn phức tạp, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ lây lan dịch. Do đó, không thể loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.

"Việc thực hiện "5K" vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lại thì chúng ta phải giãn cách lại từ đầu", PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đưa ra khuyến cáo, ngay cả những người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.