Đà Nẵng tập trung gỡ khó trong giáo dục hướng nghiệp

GD&TĐ - Nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phân luồng học sinh trung học, nhưng ngành giáo dục Đà Nẵng vẫn gặp nhiều khó khăn. Kết quả đạt được trong những năm gần đây khá khiêm tốn, đòi hỏi thành phố Đà Nẵng cần có những giải pháp đột phá thiết thực trong giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Đà Nẵng tập trung gỡ khó trong giáo dục hướng nghiệp

Chưa như mong đợi

Những năm gần đây, thành phố Ðà Nẵng đã có nhiều chính sách chăm lo cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng. Ðiển hình như: Quyết định số 6372/QÐ-UBND ngày 7-8-2012 về Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; Nghị quyết số 88/NQ-HÐND ngày 11-12-2014 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ năm 2015 có yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS…

Hiện nay, Ðà Nẵng có ba trung tâm giáo dục thường xuyên, hai trường trung cấp chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) quản lý và 12 trung tâm đào tạo nghề, bốn trường trung cấp nghề, sáu trường cao đẳng nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định mới của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là công tác phân luồng học sinh sau THCS tại Ðà Nẵng hiện nay đang thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nên hiệu quả khá thấp.

Chỉ tính riêng hai năm gần đây, lượng học sinh được phân luồng theo học nghề tại Ðà Nẵng khá khiêm tốn. Cụ thể, năm 2015 có hơn 12 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS thì có 171 em đi học nghề, chiếm tỷ lệ 1,4%; năm 2016 có hơn 11.400 em tốt nghiệp THCS thì có 239 em đi học nghề, chiếm 2,1%.

Ðây là con số quá thấp bởi theo Chỉ thị 10-CT/T.Ư ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị khóa XI đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, Ðà Nẵng khó có thể hoàn thành được mục tiêu này.

Lý giải về nguyên nhân giáo dục hướng nghiệp, phân luồng còn hạn chế, Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Ðà Nẵng Nguyễn Ðình Vĩnh cho rằng, nhận thức của một bộ phận phụ huynh chưa hiểu đúng về tầm quan trọng của học nghề sau tốt nghiệp THCS.

Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn hạn chế do đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp chưa được đào tạo bài bản, chính sách hỗ trợ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS còn hạn chế, vẫn còn chung chung, lý thuyết.

Trong khi đó, thị trường lao động hiện nay khắt khe đối với người lao động có trình độ thấp, cơ hội việc làm và thu nhập còn hạn chế cho nên không tạo động lực cho học sinh khi lựa chọn học nghề. Mặt khác, chưa có sự phối hợp và liên kết giữa các trường dạy nghề và các trường THCS trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh.

Linh hoạt từ các trường

Ðể khắc phục những hạn chế trong giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học, ngay sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, nhiều quận, huyện trên địa bàn Ðà Nẵng đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với phụ huynh những học sinh không đủ điểm vào các trường công lập.

Nội dung của buổi gặp, ngoài tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế gia đình, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, còn có các trường trung cấp, trường nghề tham gia tư vấn cho phụ huynh.

Ngoài ra, một số trường học cũng đã tích cực triển khai giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Ðiển hình như Trường THCS Phạm Ngọc Thạch phối hợp các trường trung cấp chuyên nghiệp tổ chức định hướng một số ngành nghề mà xã hội đang cần và giúp học sinh thấy được năng lực bản thân, lựa chọn nghề phù hợp.

Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu), lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào các hoạt động, đồng thời thường xuyên trao đổi với phụ huynh về học lực của con em để họ có những tác động, định hướng phù hợp.

Trong khi đó, một số trường THPT như Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) ngay sau ngày khai giảng năm học mới đã tổ chức giới thiệu các ngành nghề thế mạnh của thành phố cũng như dự báo nhu cầu nhân lực cho học sinh khối lớp 12.

Các trường đã tổ chức soạn giáo án hướng nghiệp chung cho toàn khối. Sau đó, tùy theo thực tế của từng lớp, giáo viên có thể bổ sung, thêm hoặc bớt cho phù hợp.

Năm học 2016 - 2017, thống kê cho thấy có 10% số học sinh THPT của Ðà Nẵng không đăng ký xét tuyển CÐ, ÐH, cao hơn những năm trước, trở thành một tín hiệu đáng mừng.

Theo đồng chí Nguyễn Ðình Vĩnh, ngành giáo dục Ðà Nẵng sẽ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền giúp phụ huynh, học sinh nhận thức đúng đắn về ý nghĩa trong giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Xây dựng lộ trình cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, cụ thể, giảm dần tỷ lệ vào học THPT, tăng dần tỷ lệ vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác liên kết đào tạo nghề, khuyến khích dạy bổ túc văn hóa THPT gắn với dạy nghề. Ngoài ra, ngành giáo dục sẽ chú trọng bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng giáo viên thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học. Tổ chức giới thiệu các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, tham quan thực tế các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn cho học sinh trung học…

Bên cạnh đó, UBND thành phố Ðà Nẵng cũng cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí và khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học.

Theo Nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ