Thành phố đi ngủ… lúc 22h
Theo đánh giá của UBND TP Đà Nẵng mặc dù các khu vui chơi, giải trí về đêm của Đà Nẵng ngày càng được quan tâm đầu tư, hoàn thiện để tăng khả năng chi tiêu và thời gian lưu trú của khách như khu phố du lịch An Thượng, 8 bãi tắm đêm, các khu chợ đêm như Sơn Trà, Helio, Thanh Khê Tây…, các tuyến phố chuyên doanh ẩm thực Phạm Hồng Thái, phố thời trang Lê Duẩn…; tuy nhiên hầu hết các dịch vụ như show diễn, khu vui chơi, bãi tắm đêm, du lịch đường thủy nội địa, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… chỉ hoạt động đến 22h đêm.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc như karaoke, bar, pub hoạt động đến 24h theo quy định. Sau thời gian này, chỉ còn một số dịch vụ quán bar, pub trong các khách sạn, vũ trường, chợ đêm Sơn Trà, quán ăn khuya và sẽ kết thúc lúc 2h sáng. Các dịch vụ chưa thật sự đa dạng, quy mô còn nhỏ, thiếu phố đi bộ và chợ đêm, các hoạt động vui chơi giải trí đêm đến 2h sáng còn thiếu – báo cáo của UBND TP Đà Nẵng thừa nhận.
Những sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra ở các điểm đến vào ban đêm hiện nay ở Đà Nẵng khó có thể gọi là “kinh tế ban đêm” mà chỉ dừng ở mức độ “dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm”. Lý giải về nguyên nhân, ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng chưa có cụm phát triển du lịch riêng biêt, các dịch vụ giải trí như bar, karaoke, pub còn xen lẫn với nhà dân dẫn đến mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động phục vụ du khách, giữa khách vui chơi giải trí và khách lưu trú. Người dân Đà Nẵng chưa quen các sinh hoạt về đêm nên khó vận động được cộng đồng dân cư cùng chung tay phát triển các dịch vụ phục vụ vui chơi, giải trí đêm”.
Bãi biển “không ngủ” sẽ có gì?
Một trong những giải pháp xây dựng “kinh tế đêm”, theo như đề xuất của UBND TP Đà Nẵng là cần hình thành bãi biển không ngủ tại Đà Nẵng với đa dạng dịch vụ vui chơi giải trí như triển khai các hoạt động khu cắm trại ban đêm, dịch vụ massage (bấm huyệt) bàn chân, chiếu phim trên biển... tại tuyến đường biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và tuyến biển Nguyễn Tất Thành.
TP cũng sẽ đầu tư bãi tắm tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp dịch vụ giải trí 24/7 tại bãi biển Võ Nguyên Giáp (đoạn từ đường Ngô Thì Sĩ đến đường Nguyễn Văn Thoại) với các hoạt động như sân khấu dân vũ, âm nhạc đường phố, ánh sáng nghệ thuật...; mở rộng đầu tư phát triển khu phố du lịch An Thượng dọc đường Võ Nguyên Giáp đến đường Nguyễn Văn Thoại, triển khai các hoạt động biểu diễn nghệ thuật về đêm tại khu phố...
Ngoài ra, Khu trình chiếu Đà Nẵng Dragon Dome tại đường Phạm Văn Đồng do Công ty Lumiere làm chủ đầu tư, sức chứa 300 khách/show gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng sử dụng cộng nghệ 3D Mapping về văn hóa Đà Nẵng, khu trưng bày sản phẩm, quà lưu niệm dự kiến triển khai vào tháng 2-2020. TP cũng kêu gọi đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao, tàu phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí (nghệ thuật, bar...) tại vịnh Đà Nẵng.
Thành phố hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động và phát triển các dịch vụ bar, cà-phê trên du thuyền; đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí đêm tại Công viên khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi, ngắm cảnh sông Hàn về đêm, ca hát đường phố, các mô hình điểm check-in cho du khách; tổ chức sự kiện đại nhạc hội dưới biển, mời các DJ, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng tham gia; hình thành phát triển các trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, ngắm cảnh đêm kết hợp vui chơi giải trí; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, sự kiện hai bên bờ sông Hàn để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm của Đà Nẵng...
Khu phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái thành Phố ẩm thực đêm đặc sắc với các món ăn truyền thống của Đà Nẵng và Việt Nam, hình thành phố hải sản tại đường Nguyễn Văn Thoại, khuyến khích cụm dịch vụ nhà hàng, quán bar tại khu vực ven sông phía đông đường 2 Tháng 9 từ Công viên APEC đến cầu Trần Thị Lý hoạt động đến 2 giờ sáng;
tạo điều kiện để các dự án như Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía đông nam Đài Tưởng niệm (gồm khu phố thương mại, phố đi bộ, trung tâm thương mại...); khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế (gồm trung tâm mua sắm, ẩm thực về đêm, nhạc nước, chương trình nghệ thuật)..., phố đêm Nhật Bản (Xuân Thiều), làng ẩm thực quốc tế (Cẩm Lệ)... sớm đưa vào hoạt động; cho phép thí điểm dịch vụ vui chơi giải trí tại khu vực các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, khu du lịch An Thượng, tuyến biển... hoạt động đến 2 giờ sáng hằng ngày.
Một giải pháp nữa được UBND Đà Nẵng tính đến là sẽ hình thành và quảng bá Đà Nẵng theo chủ đề “Thành phố mua sắm đêm” trong đó có chương trình kích cầu “Tuần lễ mua sắm đêm tại Đà Nẵng”; đưa vào hoạt động trung tâm thương mại miễn thuế trong thành phố đầu tiên của Đà Nẵng (VVmall); phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24 giờ, khuyến khích các trung tâm mua sắm hàng hóa, phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn, các khu chợ Hàn, chợ Cồn mở cửa đến 24 giờ...