Chương trình đào tạo kỹ sư CLC Việt – Pháp: Gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất

GD&TĐ - Ngày 16/11, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV). Đây là chương trình hợp tác đào tạo giữa các trường ĐH kỹ thuật hàng đầu của Pháp và Việt Nam, SV tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư chất lượng cao được Việt Nam và Châu Âu công nhận, tương đương trình độ thạc sĩ.  

Đại diện khoa Khoa học công nghệ tiên tiến tặng hoa tri ân cựu trưởng dự án, trợ lý chương trình dự án PFIEV, trưởng chương trình các thời kỳ.
Đại diện khoa Khoa học công nghệ tiên tiến tặng hoa tri ân cựu trưởng dự án, trợ lý chương trình dự án PFIEV, trưởng chương trình các thời kỳ.

Tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, chương trình PFIEV có 3 chuyên ngành, trong đó, chuyên ngành Sản xuất tự động (thuộc ngành Cơ khí) hợp tác với trường Quốc gia Bách khoa Grenoble (Grenoble INP) bắt đầu tuyển sinh năm 1999; Chuyên ngành Tin học công nghiệp (thuộc ngành Điện - Điện tử), hợp tác với Trường Quốc gia Bách khoa Grenoble (Grenoble INP) bắt đầu tuyển sinh năm 2007; Chuyên ngành Công nghệ phần mềm (thuộc ngành Công nghệ thông tin), hợp tác với Trường Polytech Marseille (Polytech Marseille) bắt đầu tuyển sinh năm 2011.

Kể từ khi đi vào hoạt động đến đầu năm 2018, Chương trình PFIEV tại Trường ĐHBK-ĐHĐN được vận hành bởi Văn phòng dự án PFIEV, đến tháng 2/2018 khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến (FAST) được thành lập nhằm trực tiếp quản lý, vận hành và phát triển các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế của trường gồm Chương trình tiên tiến Việt – Mỹ và Chương trình PFIEV.

Đến nay, Chương trình PFIEV tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có 16 khóa tốt nghiệp với gần 500 kỹ sư được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ. SV PFIEV có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn với tỷ lệ bình quân gần 85% sau 3 – 6 tháng tốt nghiệp và gần 100% sau 1 năm tốt nghiệp. Rất nhiều cựu SV PFIEV hiện đang giữ vị trí quan trọng tại các công ty, tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng như ở nước ngoài.

Ngoài ra, gần 80 SV được học bổng du học để học song bằng và thực tập tốt nghiệp tại các trường đối tác Pháp theo các nguồn học bổng khác nhau như: học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam và các học bổng của phía Pháp. Nhiều cựu SV du học sau đại học, làm việc tại các nước tiên tiến: Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Singapore...

Chương trình đào tạo PFIEV của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được Ủy ban bằng Kỹ sư Cộng hòa Pháp (Cti) và Mạng lưới kiểm định Châu Âu các chương trình đào tạo kỹ sư (ENAEE) đánh giá và tái công nhận lần thứ 3 đạt Chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI giai đoạn 2017-2023.

Chương trình PFIEV là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp theo Nghị định thư ký ngày 12/11/1997 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, với 4 trường tại Việt Nam được lựa chọn tham gia gồm: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng (ĐHBK-ĐHĐN) và Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Sau 2 năm đầu chuẩn bị, Chương trình PFIEV thực sự đi vào hoạt động từ năm 1999 cho đến nay.

Mục tiêu của Chương trình PFIEV là đào tạo kỹ sư có trình độ khoa học cao và đa ngành, thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Anh, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trên các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên cho phát triển kinh tế của đất nước; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước; gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất; tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ