Thực hiện đúng tinh thần tự nguyện
Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, phần lớn các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Hiện còn một số trường thuộc quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ chưa thực hiện đối với học sinh lớp 5 do điều kiện cơ sở vật chất. Vì vậy, nhà trường phải tổ chức dạy học đảm bảo theo Thời khóa biểu chính khóa: bao gồm các tiết học theo chương trình và tiết học tăng cường do đội ngũ giáo viên nhà trường được phân bổ (biên chế và hợp đồng theo chỉ tiêu) trực tiếp thực hiện, đảm bảo số tiết tối thiểu/tuần/giáo viên, số buổi tối thiểu/tuần/lớp, số tiết tối đa/ngày/lớp.
Việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài cũng như dạy kĩ năng sống là những môn học tự nguyện, do học sinh và cha mẹ học sinh đăng kí. Không phải học sinh nào cũng có nhu cầu nên chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn trong thời khóa biểu chính khóa. Chỉ triển khai, tổ chức cho học sinh có cha mẹ đăng kí tham gia học trên tinh thần tự nguyện; nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lí học sinh.
Mới đây nhất, ngày 26/9, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có công văn hướng dẫn về việc dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa trong trường tiểu học.
Học sinh lớp 2/2 Trường Tiểu học Phù Đổng đang học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. |
Việc lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và các công văn hướng dẫn khác có liên quan của Sở GD&ĐT. Học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 98 của HĐND thành phố quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn
Các trường chỉ được phép triển khai thực hiện khi xây dựng kế hoạch đầy đủ theo hướng dẫn của Sở GDĐT và được phòng GD&ĐT các quận, huyện phê duyệt. Nếu trường nào tổ chức khi chưa được phê duyệt hoặc thực hiện không đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt là sai phạm. Phòng GD&ĐT phải đảm bảo việc phê duyệt kế hoạch đúng quy định và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Tạo điều kiện tối đa cho học sinh
Hiện nay, ngoài một số trường đang lấy ý kiến của phụ huynh hoặc đang giai đoạn xây dựng đề án tổ chức dạy học một số môn xã hội hóa, có một vài trường học ở Đà Nẵng đã triển khai dạy - học theo hình thức liên kết.
Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) đã triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa từ đầu năm học này.
Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho biết, với chương trình xã hội hóa, nhà trường đã thực hiện theo đúng công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT trên nguyên tắc tự nguyện, xin ý kiến thống nhất của phụ huynh, có đơn đăng ký cụ thể với nhà trường.
Trên cơ sở số lượng phụ huynh học sinh đăng ký, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với chương trình chính khóa của nhà trường, đồng thời phù hợp với năng lực đáp ứng nhu cầu giáo viên của đơn vị liên kết.
Theo các biên bản lấy ý kiến phụ huynh học sinh thì đa số phụ huynh lớp 1 và lớp 2 đăng ký cho con học buổi thứ 10 ở môn tiếng Anh với người nước ngoài. Căn cứ vào đó, nhà trường tổ chức học cho học sinh học môn liên kết vào các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6. Cụ thể, tiết học Anh văn với người nước ngoài của lớp 1/1 vào chiều thứ 2, lớp 1/2 vào chiều thứ 3…
Tuy nhiên, khi số lớp tăng lên nhiều, tới 14 lớp, nhà trường tổ chức họp thống nhất với phụ huynh tổ chức học tiếng Anh vào tiết cuối của buổi sáng và vẫn bảo đảm 32 tiết/tuần.
Theo cô Trương Thị Nhã Trúc, có một số lớp có từ 1 - 3 học sinh không đăng ký học môn học xã hội hóa. "Với những học sinh này, nhà trường thống nhất với phụ huynh các em vẫn tham gia học với tất cả học sinh trong lớp. Điều khác biệt nhất là giáo viên sẽ không tổ chức đánh giá kết quả của môn này với những em không đăng ký học. Vì vậy không có chuyện học sinh đi ra ngoài hay đến thư viện một mình”, bà Trúc thông tin.