Đà Nẵng rà soát từng khâu cho đến khi Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra

GD&TĐ - Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Ban chỉ đạo thi TP Đà Nẵng. 

Đoàn kiểm tra số 3 của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn kiểm tra cơ sở vật chất điểm chấm thi tự luận tại Đà Nẵng.
Đoàn kiểm tra số 3 của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn kiểm tra cơ sở vật chất điểm chấm thi tự luận tại Đà Nẵng.

Ngày 20/6, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát một số điểm thi. Đoàn kiểm tra số 3 đã có buổi làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 TP Đà Nẵng.

Chú trọng công tác truyền thông

Đoàn đã kiểm tra thực tế tại điểm in, sao đề thi, điểm chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và một số điểm thi tại TP Đà Nẵng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của UBND TP Đà Nẵng trong các phần việc liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương.

“Sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT phụ thuộc rất nhiều vào ban chỉ đạo thi của các địa phương. Các thành viên trong Ban chỉ đạo thi địa phương phải làm tròn trách nhiệm của mình, có sự phối hợp trong lĩnh vực mình phụ trách để hướng đến một kỳ thi trung thực, khách quan, công tâm và thí sinh dự thi đạt hiệu quả cao nhất” – Thứ trưởng Minh Ngô Thị Minh lưu ý.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, TP Đà Nẵng cần rà soát từng khâu, chú trọng công tác tập huấn quy chế cho giáo viên, cán bộ tham gia làm thi và học sinh nhất là lưu ý những điểm mới của kỳ thi. Không nên chủ quan ở bất cứ khâu nào để tạo khoảng trống, tạo kẽ hở cho các hiện tượng tiêu cực nảy sinh.

Đồng thời tổ chức kiểm tra công tác bảo mật đề thi từ lúc ra đề đến lúc vận chuyển đến điểm thi, in sao, ghép phách, bố trí camera sao cho phù hợp… Trong đó, đặc biệt lưu ý đến công tác bảo vệ, nhân sự ở vòng 3 của điểm in sao đề thi.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, TP Đà Nẵng cần rà soát từng khâu.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, TP Đà Nẵng cần rà soát từng khâu.

Công tác an ninh, an toàn cho kỳ thi được đoàn công tác hết sức lưu ý với Ban Chỉ đạo thi TP Đà Nẵng. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và đoàn kiểm tra khảo sát điểm chấm thi trắc nghiệm tại Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và đoàn kiểm tra khảo sát điểm chấm thi trắc nghiệm tại Đà Nẵng.

Theo Thiếu tá Đỗ Xuân Giang – Cán bộ phòng 6, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), ở những kỳ thi trước, khi được hỏi thì một số thí sinh làm lộ, lọt đề thi ra ngoài trong thời gian đang làm bài thi không hề ý thức được rằng mình đang vi phạm hình sự. Vì vậy, trong phổ biến quy chế thi cho thí sinh, cần phải đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng và tính bảo mật của đề thi.

Có cùng quan điểm như vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, công tác truyền thông về kỳ thi phải có sự chủ động và truyền thông từ sớm. Trong đó, phải mở rộng đối tượng truyền thông không chỉ có cha mẹ học sinh, thí sinh dự thi, giáo viên… mà còn các tổ chức chính trị, xã hội.

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh dự thi

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, kỳ thi năm nay, TP Đà Nẵng có 13.133 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 11.854 thí sinh THPT và 1279 thí sinh giáo dục thường xuyên tại 29 điểm thi với 551 phòng thi.

Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng chú trọng trong công tác phối hợp các thành viên ban chỉ đạo thi, đặc biệt giao trách nhiệm cho các chủ tịch quận huyện phải chịu trách nhiệm về công tác tổ chức thi trên địa bàn mình. Lực lượng chức năng tại từng địa phương cần linh hoạt xử lý nếu có tình huống, điển hình như chuyển thành phạt nguội đối với phụ huynh chở thí sinh đến điểm thi nếu vi phạm an toàn giao thông.

Đà Nẵng đã huy động 2.625 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi, giám sát thi cho cán bộ, giáo viên dự kiến tham gia công tác coi thi; phối hợp với Công an tiến hành kiểm tra các thiết bị lưu trữ dữ liệu, camera phục vụ cho công tác coi thi, chấm thi…

“Rút kinh nghiệm trong việc coi thi trong những năm trước, công tác tập huấn coi thi cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát được Sở đặc biệt nhấn mạnh phòng ngừa gian lận bằng công nghệ cao. Trong buổi tập trung thí sinh để phổ biến quy chế thi, cán bộ coi thi sẽ nhắc nhở thêm về nội dung này”, ông Thành nhấn mạnh.

Đà Nẵng đang triển khai mọi công tác liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng mốc thời gian quy định.

Đà Nẵng đang triển khai mọi công tác liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng mốc thời gian quy định.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Địa phương có 63 em là học sinh khuyết tật lớp 12. Trong số này, có 24 em đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường phổ thông tìm hiểu nhu cầu của các em để có hình thức hỗ trợ phù hợp như cử lực lượng tình nguyện tiếp sức mùa thi hỗ trợ đi lại trong các ngày diễn ra kỳ thi.

Với số học sinh người dân tộc đang học tại Trường THPT Phạm Phú Thứ, các em sẽ được nhà trường cử giáo viên chăm sóc ăn uống, đi lại, chỗ nghỉ ngơi... trong các ngày thi.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý trong công tác tiếp sức mùa thi, cần có những hỗ trợ thiết thực, tránh hình thức, đông người nhưng lại không hiệu quả. Ví dụ như trong hỗ trợ thí sinh có đăng ký trước, cần có số điện thoại để chủ động liên hệ. Đồng thời, các điểm thi cần rà soát lại phòng gửi đồ để đảm bảo cho thí sinh yên tâm với tư trang của mình.

"Có một số nơi khi đoàn đi kiểm tra thì được báo cáo là dự kiến sẽ sử dụng phòng bảo vệ để làm phòng gửi đồ. Nhưng với diện tích phòng nhỏ như thế, làm sao có thể để hết đồ đạc của học sinh, như trong tình huống các em đến điểm thi mà trời mưa, phải gửi áo mưa lại, rồi điện thoại, túi xách... nên không thể tận dụng như thế được" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nêu ví dụ.

"Các địa phương cần quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, từ việc phòng, chống cháy nổ, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo an toàn trong khâu vận chuyển đề thi, bài thi, nơi sao in đề bài thi, bố trí phòng để đồ cho thí sinh, khu vực thi phải phù hợp. Thực tế kiểm tra tại một số địa phương cho thấy có những điểm thi rất rộng, trong khi lực lượng an ninh làm nhiệm vụ có hạn vì vậy phải bố trí điểm thi vừa phù hợp, vừa đảm bảo an toàn" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.