Đà Nẵng rà soát, sắp xếp lại các đơn vị thừa cấp Phó

GD&TĐ - Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch các quận, huyện nghiêm túc thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Đà Nẵng rà soát, sắp xếp lại các đơn vị "lạm phát" cấp phó.
Đà Nẵng rà soát, sắp xếp lại các đơn vị "lạm phát" cấp phó.

Đồng thời thực hiện rà soát và tiến hành sắp xếp đối với các đơn vị có số lượng cấp phó vượt quy định.

Cụ thể, đối với cơ quan hành chính thì rà soát số lượng cấp phó tại các đơn vị thuộc và trực thuộc (chi cục, ban, phòng), thực hiện điều chuyển những nơi dôi dư, đảm bảo số lượng cấp phó đúng quy định.

Đối với các đơn vị không có quy định cụ thể về số lượng cấp phó thì thực hiện không quá 2 cấp phó mỗi đơn vị.

Đối với đơn vị sự nghiệp, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện rà soát phân loại, xác định số lượng cấp phó của từng đơn vị sự nghiệp (trừ ngành giáo dục và đào tạo).

Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cụ thể số lượng cấp phó của từng đơn vị để làm căn cứ thực hiện (nhiều nhất cũng không quá 3 cấp phó).

Ủy ban nhân dân thành phố giao giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch quận, huyện điều chuyển, xử lý đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có số lượng cấp phó vượt quy định, hoàn thành báo cáo Chủ tịch thành phố trước ngày 31/12/2017.

Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, lãnh đạo Đà Nẵng cũng thừa nhận hiện địa phương này có ba Sở có số lượng cấp phó giám đốc Sở vượt quá quy định của Chính phủ (quy định mỗi Sở chỉ có tối đa ba phó giám đốc).

Ba sở “lạm phát” cấp phó này gồm: Sở y tế, Sở Lao động Thương bình và xã hội, Sở Nội vụ.

Lý giải vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng phó giám đốc sở vượt quá quy định, trong đó có yếu tố do lịch sử để lại.

Thời gian tới, các Sở này sẽ có phó giám đốc đến tuổi nghỉ hưu và sẽ không bổ nhiệm mới.

Cụ thể, Sở y tế hiện có năm phó giám đốc nhưng có một người đang phải điều trị bệnh dài ngày, hai phó giám đốc đang kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện.

Theo lộ trình, trong năm 2017, Sở y tế sẽ có hai phó giám đốc về hưu, Sở Lao động Thương binh và Xã hội có một phó giám đốc về hưu. Đến năm 2018 thì Sở Nội vụ có một phó giám đốc về hưu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ