(GD&TĐ) - Theo một báo cáo trước khi kết thúc năm 2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, biên chế năm học 2012 - 2013 được giao cho cấp trung học cơ sở là 13.598 người, trong khi đó thực tế có đến 15.866 người (trong biên chế 14.582 người, các huyện hợp đồng 1.284 người).
Trường THCS Giai Xuân (Tân Kỳ) hiện thừa 1 lãnh đạo, 3 giáo viên, thiếu 1 nhân viên |
Trong số đó, 401 giáo viên được chuyển sang làm việc tại các trung tâm học tập cộng động, như vậy còn thừa đến 1.867 người. Nếu tới đây bố trí thêm 400 nhân viên để đủ định biên theo quy định của Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV thì vẫn còn thừa 1.467 người; đó là chưa kể 354 người do Hiệu trưởng các trường tự hợp đồng.
Trong đó các địa phương thừa nhiều theo thứ tự thấp dần (số tuyệt đối) là Diễn Châu, Yên Thành, Vinh, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Quế Phong,...
Nhưng việc thừa lại không rải đều trong các loại hình giáo viên, nhân viên; thực tế thừa giáo viên các môn Toán, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử; thiếu các môn Hóa học, Âm nhạc, Mỹ thuật và nhân viên thư viện, thiết bị.
Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và hoạt động giáo dục của các nhà trường. Cũng chính việc thừa quá nhiều người đã làm cho phần kinh phí chi cho hoạt động giáo dục của các nhà trường không còn lại được bao nhiêu. Nhiều nhà trường không có tiền để mua hóa chất, mua các nguyên vật liệu làm thí nghiệm, thực hành; mua sách tham khảo hay mua thiết bị bổ sung cho những cái đã hư hỏng;…
Ở Trường THCS Kim Liên (huyện Nam Đàn), bà Nguyễn Thị Tứ - Hiệu trưởng - cho biết: Năm hoc 2012 - 2013, trường của bà có 19 lớp, 621 học sinh và hiện có 61 cán bộ, giáo viên (3 lãnh đạo, 54 giáo viên, 1 tổng phụ trách đội, 1 nhân viên thiết bị, 1 kế toán, 1 nhân viên thư viện - thủ quỹ).
Theo Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV, Trường THCS Kim Liên là trường hạng 2, được phép bố trí 44 biên chế (bao gồm 1 Hiệu trưởng, 1 Phó Hiệu trưởng, 36 giáo viên, 1 tổng phụ trách, 2 nhân viên thư viện - thiết bị, 3 nhân viên văn phòng làm các nhiệm vụ văn thư - thủ quỹ, y tế học đường, kế toán); như vậy đã thừa đến 17 người (thừa 1 lãnh đạo, 18 giáo viên nhưng thiếu 2 nhân viên phục vụ).
Hay như ông Ninh Viết Nam - Hiệu trường Trường THCS Hưng Dũng (Vinh) - cho biết: Năm học 2012-2013, Trường của ông có 20 lớp, 844 học sinh và hiện có 56 cán bộ, giáo viên. Đối chiếu với Thông tư 35/2006/TTLT-BGDĐT-NV, Trường này (là trường hạng 2) cũng thừa đến 10 người (thừa 11 giáo viên, thiếu 01 nhân viên phục vụ).
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Chuyên viên trực tiếp theo dõi nhân lực cấp THCS của Sở GD&ĐT Nghệ An, nguyên nhân dẫn đến việc thừa giáo viên, nhân viên ở cấp học này thì có nhiều, nhưng có hai nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là do do quy mô cấp học giảm nhanh: năm học 2000 - 2001, Nghệ An có 7.033 lớp THCS với 302.153 học sinh; năm học 2012 - 2013 còn 5.573 lớp với 177.208 học sinh và năm học tới, theo kế hoạch chỉ còn 5.507 lớp với 173.695 học sinh.
Thứ hai là UBND cấp huyện chưa thực hiện việc phân khai tài chính đầy đủ; chưa công khai giao chỉ tiêu biên chế cho các nhà trường; việc giao quyền chủ động về tài chính, tự chủ về tuyển dụng cho Hiệu trưởng các nhà trường theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV chưa được thực hiện.
Ngoài hai nguyên nhân cơ bản nói trên, ông Khánh cho rằng công tác dự báo kế hoạch phát triển quy mô trường lớp chưa tốt; chưa thực hiện đầy đủ việc tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/NĐ-CP; trường đã đủ người nhưng vẫn hợp đồng thêm nhân lực hoặc không chấm dứt hợp đồng khi hợp đồng đã hết hạn cũng là những nguyên nhân làm thừa nhân lực ở cấp THCS.
Ông Nguyễn Quốc Khánh còn cho biết thêm, không phải tất cả các huyện đều thừa biên chế. Thực tế có huyện đang còn chỉ tiêu biên chế nhưng không tuyển dụng mà lại thực hiện hợp đồng lao động với mục đích giảm chi phí trả lương. Giáo viên hợp đồng lao động không được hưởng phụ cấp đứng lớp và các khoản phụ cấp khác; lương chủ yêu được trả theo bậc 1 của ngạch và chỉ được trả 10 tháng/năm;…
Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên) hiện thừa 9 giáo viên, thiếu 1 nhân viên |
Chúng tôi nêu câu hỏi “Giải pháp nào cho việc dư thừa giáo viên trong các trường THCS hiện nay?” thì được ông Lưu Đức Thuyên - Trưởng phòng Tổ chức, cán bộ, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Hiện tại Sở đang tập trung vào 3 giải pháp chính.
Giải pháp quan trọng nhất, có hiệu quả nhất là tổ chức dạy học ngày hai buổi cho học sinh THCS. Việc dạy ngày hai buổi đã được Bộ GD&ĐT quy định, hướng dẫn. Các trường thừa giáo viên sẽ sử dụng số giáo viên dư thừa dạy buổi thứ hai cho học sinh và các em không phải nạp tiền để học buổi thư hai này.
Giải pháp thứ hai là chỉ đạo các huyện chọn giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên cho đi học văn bằng hai về tin học (khoảng 300 người) theo đề án dạy và học tin học đã được tỉnh phê duyệt (hiện tại Sở đã mở lớp văn bằng hai tin học và tiếp nhận 150 giáo viên về học); bố trí khoảng 160 giáo viên tự nhên học thêm tiếng Anh 2 năm để về dạy song ngữ.
Giải pháp thứ ba là chỉ đạo cac huyện mở lớp bồi dưỡng về thiết bị, thư viên cho đối tượng là giáo viên dôi dư để bố trí họ làm nhân viên thiết bị, thư viện mà hiện nay các trường đang rất thiếu.
Cùng với ba giải pháp mà ông Lưu Đức Thuyên đã nêu, theo chúng tôi, UBND tỉnh Nghệ An cần giao những huyện đã thừa giáo viên THCS không được phép tuyển dụng hay hợp đồng thêm giáo viên ở cấp học này và xử lý nghiêm khắc những địa phương không làm đúng như vậy. Nếu không, tình trạng thừa giáo viên như đã nói ở trên sẽ tiếp tục kéo dài triền miên.
Minh Đức