Đà Nẵng: Nóng chuyện thoát nước, môi trường

GD&TĐ - Vấn đề xử lý rác thải, thoát nước đã khiến Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng thêm nóng. Lãnh đạo thành phố cảnh báo, Đà Nẵng khó giữ được danh hiệu môi trường và phải đối diện với nhiều vấn đề trong tương lai.

Bãi rác Khánh Sơn là một trong các điểm nóng về bảo vệ môi trường của TP Đà Nẵng thời gian qua
Bãi rác Khánh Sơn là một trong các điểm nóng về bảo vệ môi trường của TP Đà Nẵng thời gian qua

Ô nhiễm môi trường do dân phát hiện

Phát biểu tại diễn đàn HĐND TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Lượng rác tại bãi Khánh Sơn đã là hơn 2,7 triệu tấn. Mỗi năm TP phải chi 300 tỉ đồng cho xử lý rác. “Sau trận mưa vừa qua, bờ biển được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh mà rác tràn ngập. Rác sinh hoạt tràn ngập các tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Tất Thành. Qua thu dọn, phát hiện cả chăn chiếu, mùng mền tuôn ra từ các cửa thoát nước ra biển. Điều này cho thấy, nhận thức của người dân trong thu gom rác cũng cần phải được nâng cao” - ông Hùng nêu.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết:“Hệ thống thoát nước của TP vẫn chưa đồng bộ; chỗ có máy bơm thì không có nước, chỗ ngập nước thì không có máy bơm. Tôi đi thực tế thì thấy chỗ Thuận Phước tập trung 400 máy bơm nhưng nước có về đâu. Trong khi khu vực Thanh Bình thì nước lại ngập, ở Hàm Nghi nước ngập cao, chảy về hết cống Hải Phòng, Ông Ích Khiêm nhưng lại không có máy bơm. Chúng ta nghĩ chưa đến mức nhiễm mặn như vừa rồi. Thế mà ở khu vực Trương Chí Cương chỉ tập trung có 2 máy bơm thôi là khô ráo”. 

Sau 10 năm triển khai Đề án xây dựng TP môi trường, đã có 7 điểm nóng được kiềm chế khắc phục, các điểm còn lại dần có giải pháp để xử lý từng bước. Đà Nẵng cũng đầu tư rất lớn nguồn lực cho các công trình bảo vệ môi trường: Giai đoạn 2016 - 2018, đầu tư 2.100 tỉ đồng; giai đoạn 2016 - 2020, có 8 công trình thuộc lĩnh vực khoa học môi trường với hơn 6.800 tỉ đồng. Thế nhưng, ông Tô Văn Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Công tác quản lý, dự báo có vấn đề, nếu như thực hiện tốt sẽ sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đột biến, cực đoan, thảm họa. Gần như tất cả các điểm nóng hiện nay cũng do quy hoạch, thiếu dự báo”. Chính vì vậy, “TP phải có quy chuẩn riêng liên quan đến bảo vệ môi trường”.

Về công tác giám sát, ông Hùng cho biết, hầu như thông tin cảnh báo, phát hiện ô nhiễm đều do người dân cung cấp trong khi, “chúng ta có cả một hệ thống chính quyền các cấp; điều này cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương rất thấp” - ông Hùng khẳng định.

Hệ thống thoát nước lạc hậu, không đồng bộ

Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng thông tin: Từ năm 1998 - 2019, TP Đà Nẵng đầu tư 3 dự án thoát nước, vệ sinh môi trường với kinh phí 5.200 tỉ đồng gồm: Thoát nước, vệ sinh môi trường (15 triệu USD), hạ tầng ưu tiên (70 triệu USD) và phát triển bền vững (43 triệu USD). “Hệ thống thoát nước này nhiều năm nay đã giải quyết tốt nhu cầu thoát nước của TP, đặc biệt là các khu vực ngập úng truyền thống” - ông Tiến cho hay.

Thế nhưng, theo như Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, qua giám sát, hệ thống thoát nước của TP đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của đô thị, chưa phát huy tác dụng đặc biệt là khả năng thích ứng với thời tiết như lượng mưa ngày 9/12 vừa qua, chưa dự báo được sự phát triển của đô thị. “Quá trình phát triển đô thị đã giảm đi số lượng hồ điều tiết tự nhiên trong TP từ 42 hồ còn 30 hồ tương ứng với diện tích hồ còn khoảng 300ha, với dung tích chứa khoảng 3,5 triệu m3; Chưa thực hiện công tác duy tu nạo vét trong thời gian dài, đặc biệt chưa kiểm soát xả thải nước ngầm lẫn bùn đất công trình thi công ra cống gây tắc cục bộ; Chưa có biện pháp để hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn gây quá tải hạ tầng lên công trình thoát nước” - ông Tiến cho biết.

Từ đây, ông Nguyễn Thành Tiến đề xuất một số giải pháp: “Đối với khu vực trung tâm cũ như Hải Châu, Thanh Khê cần tiếp tục đầu tư để khớp nối hệ thống thoát nước hiện có nhằm tăng khả năng chia sẻ thoát nước, mở rộng tiết diện một số tuyến cống chính như tuyến đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng, Đống Đa, Phần Lăng… để đảm bảo tăng thêm dung tích chứa của các tuyến này và thông thoát cho hệ thống thoát nước. Đối với dự án thoát nước phía Đông cần xem xét cẩn trọng vì sát biển là nguy cơ và rủi ro cao về ô nhiễm môi trường. Nên chăng, cần nghiên cứu bố trí dọc sông Hàn để dễ dàng ứng phó khi có sự cố về thoát nước. Đối với các khu đô thị mới cần quy định cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết thoát nước ở từng khu dân cư”.

Ông Nguyễn Thành Tiến cũng cho rằng, cần xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước kiểm soát nghiêm việc xả thải ở phần cống các công trình. Có lộ trình đồng bộ các cửa thu nước kết hợp tuyên truyền không để rác thải vào cống gây tắc cục bộ. Về vấn đề nạo vét định kỳ, theo ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, UBND TP phải kiểm tra lại hiệu quả chất lượng nạo vét bởi ngân sách dành cho nạo vét là 83 tỉ đồng/năm. “Cũng phải nâng cao ý thức của người dân chứ cứ thấy muỗi bay lên hay có mùi hôi thì bịt hố ga lại, thì nước sao chạy được, chỉ có chạy vô nhà thôi” - ông Trung nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ