Không để học sinh la cà quán sá
Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) có khoảng 500 HS không ở lại bán trú. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho biết, nhà trường cử bảo vệ đứng trực đón HS ở ngay cổng, phụ huynh chỉ đưa HS đến cổng trường chứ không đi xe máy vào trường. Những ngày trời mưa, nhà trường sẽ mở cổng để phụ huynh đi xe máy vào khu vực sảnh, đảm bảo HS không bị ướt. HS không ở lại bán trú nếu đi học sớm, sẽ tập trung chơi ở sảnh ngay gần sát cổng trường.
“Ở sảnh, nhà trường đã bố trí ghế nhựa cho HS ngồi, có cả ti vi để các em xem, phía sân trường sát sảnh cũng có tủ sách di động để HS có thể đọc nếu không muốn xem hoạt hình. Nhà trường cũng cử một GV dạy thể dục quản lý số HS này để đảm bảo an toàn cho HS trong lúc chơi chờ đến giờ vào học buổi chiều. Thời tiết mùa này nắng nóng nên các em cũng được khuyến cáo không nên chạy nhảy, vận động nhiều để tránh thân nhiệt tăng đột ngột” – cô Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm quản lý HS không bán trú.
Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu) cũng bố trí một khu vực sát nhà xe, có mái che cho HS không ở lại bán trú vui chơi, tránh nắng khi đến trường trở lại vào buổi chiều. Cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù 14h mới bắt đầu giờ học buổi chiều, 1h30 HS bán trú mới ngủ dậy để ăn bữa xế nhưng khoảng 13h20 thì phụ huynh đã đưa những HS không bán trú đến trường để kịp giờ đi làm buổi chiều. Nhà trường đã cử một bảo vệ có nhiệm vụ quản lý HS, chỉ cho HS vào cổng chứ không để HS sau khi vào đến trường rồi lại quay trở ra ngoài cổng trường để đảm bảo an toàn cho các em.
Một điều đặc biệt nữa của trường Tiểu học Trần Văn Ơn là buổi sáng, nhân viên phụ trách khu vực nhà vệ sinh thường phải có mặt trước giờ vào học khoảng 45 phút. Theo cô Thái Hằng thì “Khu vực của trường có 3 trường học có chung lối đi, đường vào lại hẹp nên buộc nhà trường phải mở cổng cho phụ huynh vào phía trong sân trường. Hơn nữa, nhiều phụ huynh đưa con đi học sớm để kịp giờ vào làm buổi sáng, nếu chỉ có một mình nhân viên bảo vệ thì sẽ kiểm soát hết được các khu vực trong trường. Mỗi chân cầu thang của nhà trường đều có một nhân viên trực để đảm bảo chỉ có HS lên các phòng học và khu vệ sinh, tránh trường hợp người lạ hoặc phụ huynh vào sâu bên trong trường để đảm bảo an toàn cho HS ”.
Linh hoạt trong sắp xếp, bố trí lớp học
Sau thời gian HS nghỉ học phòng chống dịch Covid – 19, Trường Tiểu học Hải Vân (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có khoảng 50% HS chỉ học 1 buổi/ngày. Cô Trần Thị Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để thuận lợi cho việc bố trí thời khóa biểu và tổ chức lớp học, với những HS không đăng ký học 2 buổi/ngày, nhà trường sắp xếp vào một lớp. Những lớp không học 2 buổi/ngày thì sẽ học sớm hơn 1 tiết và ra về trễ hơn 1 tiết để đảm bảo 6 tiết/buổi”.
Trước khi HS nghỉ học vì dịch Covid 19, dù 100% HS được học 2 buổi/ngày nhưng trường Tiểu học Hải Vân cũng bố trí những HS không đăng ký bán trú vào chung một lớp. “Trường có một dãy phòng học mới được đưa vào sử dụng 2 -3 năm nay. Với 8 phòng học của dãy nhà này, nhà trường vừa bố trí đủ số lớp có HS ở lại bán trú nên gần như việc HS không bán trú đi học sớm không ảnh hưởng gì đến HS bán trú. Các em đến trường sớm vào buổi chiều vẫn có thể vào chính phòng học của lớp các em để chờ đến giờ học” – cô Nhàn thông tin.
Từ năm 2016, qua phản ảnh của phụ huynh và kiểm tra thực tế của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, một số trường Tiểu học có tổ chức bán trú đóng cổng trường từ 11h30 đến 13h30 (thời gian nghỉ trưa và ăn xế của HS bán trú) khiến nhiều HS không bán trú đi học sớm không vào được trường.
Các em phải tụ tập la cà ở các hàng quán hoặc đứng đợi ở vỉa hè, lòng đường khu vực trước cổng trường. Việc này dẫn đến nguy cơ các em dễ bị tai nhạn giao thông, bị kẻ xấu lạm dụng, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe do mưa nắng.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện chỉ đạo Hiệu trưởng các trường Tiểu học nghiêm túc thực hiện hai việc: “Không được đóng cổng trường trong thời gian HS bán trú nghỉ trưa để HS không học bán trú đi học sớm được vào trường. Đồng thời, phải bố trí khu vực chờ đến giờ học cho HS không bán trú, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sinh hoạt của HS bán trú”.