Loay hoay tìm việc
Chị Trịnh Tú Trinh (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) từng là hướng dẫn viên chuyên dẫn các tour khách Nhật Bản. Thế nhưng, dịch bùng phát vài lần ở Đà Nẵng, chị Trinh phải chuyển sang bán hàng handmade trên mạng.
Khi dịch có dấu hiệu “hạ nhiệt”, chị lục đục nộp bộ hồ sơ xin việc trở lại sau thời gian nghỉ việc. Thế rồi đợt dịch thứ 3 bùng phát. Các cơ sở dịch vụ du lịch lại “cửa đóng, then cài” chờ ngày qua dịch. “Giờ tiếp tục bán đồ handmade qua mạng thôi, khi nào kiểm soát được dịch thì mới tính chuyện nộp hồ sơ đi làm lại”, chị Trinh nói.
Còn anh Trần Đình Huy (tài xế xe du lịch) cho biết, khi chưa có dịch mỗi ngày anh đưa đón khách đến các điểm du lịch trên địa bàn như: Bà Nà Hills, Hội An… với giá cước khoảng 400 - 500 nghìn đồng (cả khứ hồi).
“Làm nghề này, mỗi ngày tôi thu được từ 250 - 350 nghìn đồng sau khi trừ chi phí xăng xe. Từ khi các điểm du lịch đóng cửa vì dịch, tôi chuyển sang làm shipper giao thức ăn, thu nhập cũng tạm ổn. Nhưng sau đó, Đà Nẵng cấm shipper để đảm bảo an toàn phòng dịch thì tôi thất nghiệp”, anh Huy cho hay.
Để tăng cường nhân sự phục vụ mùa cao điểm du lịch hè, nhân viên lễ tân Trần Huy Toàn (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) được chủ một khách sạn đường Võ Nguyên Giáp gọi trở lại đi làm từ tháng 4/2021, với mức lương cơ bản là 6 triệu đồng/tháng. Đi làm được khoảng 1 tháng thì khách sạn lại đóng cửa. Anh Toàn đành chuyển sang làm shipper giao hàng thực phẩm.
“Tôi chuyển sang làm shipper cho các trang giao thực phẩm công nghệ. Những ngày đầu, cứ 6 giờ sáng mở ứng dụng thì đơn hàng “nổ” liên tục. Mỗi ngày chạy khoảng 15 – 20 đơn, tôi kiếm được từ 300 - 400 nghìn đồng, nhưng không chủ động, vất vả hơn nên vẫn mong chờ ngày du lịch trở lại để được làm đúng ngành nghề”, anh Toàn chia sẻ.
Gỡ khó cho người lao động
Mới đây, Hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng đã đề xuất với UBND TP Đà Nẵng tìm hướng hỗ trợ, giúp người lao động tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt.
Ông Võ Văn Anh – Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố đã thông qua gói vay ưu đãi cho lao động trong ngành du lịch. Đối tượng được vay là các công ty du lịch, các nhà xe thuộc Hội vận chuyển cũng như nhân viên khách sạn, hiệp hội khách sạn…
Theo đó, mỗi thành viên Hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng được vay 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm, thời hạn vay 5 năm. Ngoài ra, Hội đang khảo sát để tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người lao động, đồng thời là đơn vị đứng ra hỗ trợ các cá nhân, tập thể hoàn thành hồ sơ vay vốn.
Cũng theo ông Anh, bên cạnh đó, Hội cũng đã đề xuất với Quỹ xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng và Sở Du lịch thành phố hỗ trợ một số lớp học miễn phí để chuyển đổi ngành nghề cho người có nhu cầu. Đó là các lớp học mô hình thiết kế kinh doanh, lớp chuyển đổi phục vụ khách nội địa.
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, từ đợt dịch trước, Hội đã đề xuất Chính phủ nhóm giải pháp để giải cứu người lao động. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các gói cứu trợ của Chính phủ, giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế VAT, giảm các điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ, các loại chi phí phát sinh đối với doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng .
Theo ông Dũng, Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt việc chi gói hỗ trợ lần 1 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người lao động vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Công Thương TP, Bộ Công Thương xin giảm giá điện cho các hoạt động dịch vụ du lịch.
Về những giải pháp dài hơi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho hay đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, trong tuần tới sẽ trao đổi cụ thể với Sở Du lịch để tìm đường khai thác du lịch khi hết dịch trở lại. Cụ thể, cuộc họp sẽ bàn về các hướng triển khai sản phẩm du lịch, thông điệp của Đà Nẵng và các bước cụ thể để khôi phục nền du lịch đã bị thiệt hại nặng nề sau các đợt dịch Covid-19.