Thách thức nhìn từ thực tế
Trên thực tế, tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của HS DTTS. Ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa ngôn ngữ được dùng trong sinh hoạt cộng đồng, hội họp, người địa phương chỉ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, ít sử dụng và không sử dụng tiếng Việt.
Ở các trường mầm non vùng đồng bào DTTS, nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc trông nom mà chưa chú trọng nhiều đến việc cho trẻ có những tiếp xúc ban đầu với tiếng Việt. Đây không chỉ là thiệt thòi đối với HS miền núi so với HS vùng đồng bằng, thành phố mà khi vào học tiểu học, do không nói được tiếng phổ thông, nhiều HS tỏ ra e dè, nhút nhát, thiếu tự tin.
Mặt khác, rất ít GV tiểu học và THCS biết tiếng dân tộc thiểu số, bởi phần lớn trong số họ đều từ những nơi khác tới. Số GV này cũng chưa từng được tiếp cận với chương trình đào tạo liên quan đến ngôn ngữ dân tộc thiểu số, hoặc phương pháp dạy học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2 tại trường sư phạm. Tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa người học và người dạy, giáo viên nói mà HS không hiểu diễn ra khá phổ biến. HS không sử dụng thành thạo tiếng Việt sẽ khó nắm được kiến thức từ chương trình học, chất lượng giáo dục cũng vì thế mà bị ảnh hưởng…
Vấn đề đảm bảo một nền tảng tiếng Việt tốt cho HS TH người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức; chất lượng GD tiểu học thực sự chưa được như mong đợi. Vì vậy, việc xây dựng môi trường tiếng Việt cho HS tiểu học DTTS đồng nghĩa với việc đảm bảo cho các em HS một điều kiện học tiếng Việt tốt hơn, nâng cao năng lực ngôn ngữ giúp các em nắm bắt, tiếp thu các môn học khác đạt hiệu quả cao nhất, phát triển nhân cách một cách toàn diện.
Kinh nghiệm của Lào Cai
Tăng cường văn hóa đọc trong trường học góp phần phát triển tiếng Việt cho học sinh. Ảnh: Thanh Long |
Bà Trần Thị Minh Thu - Phòng GDTH (Sở GD&ĐT Lào Cai) cho biết: Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới có trên 203km đường biên giới với Trung Quốc; diện tích tự nhiên 6.360,76 km2. Dân số hơn 60 vạn người với 25 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh…
Xuất phát từ thực tế GD TH của tỉnh Lào Cai với 72,6% HS tiểu học là người dân tộc thiểu số, trong đó có những dân tộc ít người như Bố Y, Pa Dí (chiếm đến 60% các em ở những thôn bản vùng cao khó khăn), dân cư sống dàn trải, phân tán, điều kiện học tập và giao tiếp ngôn ngữ tiếng Việt còn hạn chế. Tuy nhiên tới nay, công tác dạy học và quản lý hoạt động GD ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt là dạy học môn tiếng Việt cho HS tiểu học DTTS tại tỉnh đã được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định thông qua nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, trong đó giải pháp “Xây dựng môi trường tiếng Việt cho HS tiểu học DTTS” đã phát huy hiệu quả tốt.
Theo bà Trần Thị Minh Thu, việc xây dựng môi trường tiếng Việt trong nhà trường TH đã được tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trước hết, các trường tiểu học đã xây dựng môi trường giàu chữ tiếng Việt. GV thiết kế cây từ vựng, sau đó treo các thẻ từ lên đó để cung cấp âm, tiếng, từ ngữ mới cho HS. Tổ chức cho HS viết các tiếng, từ câu chứa âm vần đó. Cây từ vựng được HS đọc, chia sẻ mỗi ngày sẽ tăng cường vốn tiếng Việt và rất yêu thích.
Ngoài ra còn có góc Toán, góc Tiếng Việt, góc Tự nhiên xã hội, góc Lịch sử để trưng bày, sản phẩm, kết quả học tập, cảm nhận của HS sau mỗi môn học... Xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”, “hộp thư vui”, “hộp thư chia sẻ” để HS có thể viết bày tỏ suy nghĩ, mong muốn, đề xuất... Góc trưng bày kết quả học tập; Xây dựng môi trường tiếng Việt khu bán trú cho HS; Môi trường ngoài lớp học.
Xây dựng văn hóa đọc cũng nằm trong quá trình xây dựng môi trường tiếng Việt. Khi đọc sách trở thành thói quen đặc biệt là đối với HS nói chung và HS DTTS nói riêng sẽ tạo cơ hội cho HS được tiếp cận với kiến thức, thông tin một cách tích cực, được vui chơi, khám phá. Đến với thư viện thân thiện trường học, khuyến khích HS chủ động đọc các loại sách truyện, báo phù hợp, đặc biệt đối với HS dân tộc thiểu số, các em vốn ngại đọc sách do vốn tiếng Việt còn ít. Đọc chính là cách học tốt nhất...
Việc xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng; Tổ chức các cuộc thi, giao lưu bằng tiếng Việt cho HS cũng đồng thời được tiến hành song song với các giải pháp khác.
Nhìn chung, những giải pháp đã tiến hành để xây dựng môi trường tiếng Việt cho HS tiểu học người DTTS tại Lào Cai đã đạt được mục đích cuối cùng là tạo ra môi trường giàu tiếng nói và chữ viết tiếng Việt trong nhà trường để ngôn ngữ tiếng Việt được thấm vào HS DTTS từng ngày, giúp các kĩ năng tiếng Việt của HS được thúc đẩy và phát triển.