Đà Nẵng: “Gỡ rối” để xe luồng xanh vào trung tâm

GD&TĐ - Tại Đà Nẵng, các tài xế có xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR trong 72 giờ khi đi vào trung tâm thành phố vẫn phải test nhanh.

Từ ngày 19/8 cho đến nay, Đà Nẵng thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 miễn phí trên tất cả các cửa ngõ ra vào thành phố.
Từ ngày 19/8 cho đến nay, Đà Nẵng thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 miễn phí trên tất cả các cửa ngõ ra vào thành phố.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát ra vào.

Lực lượng chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để “gỡ rối” cho tình trạng này, tạo điều kiện nhanh nhất cho các xe hàng hóa luồng xanh lưu thông vào trung tâm thành phố.

Chặn Covid-19 từ cửa ngõ thành phố

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 19/8 cho đến nay, Đà Nẵng thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 miễn phí trên tất cả các cửa ngõ ra vào thành phố, nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào thành phố.

Việc test nhanh này bắt buộc thực hiện dù tài xế đã có xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR âm tính còn hiệu lực 72 giờ.

Ngày 8/9, tại chốt kiểm soát dịch tại Km941+800 trên QL1A (hướng Bắc - Nam) thuộc địa phận xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang áp dụng quy định test nhanh kháng nguyên Covid-19 đối với tài xế chở hàng tỉnh phía Nam ra nếu dừng, đỗ trả hàng ở trung tâm thành phố.

Tại đây, tài xế Nguyễn Tiến Thảo (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) điều khiển xe tải 43C-190.62 chở hàng từ Đà Nẵng vào Nam, có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR do Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng cấp cùng ngày 8/9.

Đến 16 giờ ngày 9/9, tài xế quay trở lại Đà Nẵng, đến chốt C5.1 (Trạm Cửa ô Hòa Phước) thì phải thực hiện test nhanh Covid-19 tại chốt mới được vào thành phố.

Anh Thảo cho hay, mặc dù vẫn còn hạn xét nghiệm theo quy định, nhưng anh vẫn ủng hộ nhiệt tình việc test nhanh kháng nguyên, nhằm đảm bảo an toàn trước khi vào thành phố.

Tại chốt kiểm soát dịch đường Tạ Quang Bửu (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), anh Nguyễn Tấn Mĩnh (38 tuổi, quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) điều khiển xe tải chở nước giải khát dừng xe ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 và được hướng dẫn vào khu vực chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

“Việc test nhanh Covid-19 khiến cánh tài xế như chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, mặc dù hành trình đến có chậm đi hơn 30 phút vì phải chờ kết quả nhưng như vậy an toàn cho cả thành phố”, anh Mĩnh nói.

Cạnh đó, vừa thực hiện xong việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19, anh Nguyễn Văn Công (38 tuổi, quê tỉnh Bình Định) ngồi nép bên vỉa hè khu vực chốt kiểm soát dịch trên đường Tạ Quang Bửu nhằm hạn chế tiếp xúc với các tài xế khác theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Theo anh Công, trên đường chở hàng từ cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đi các tỉnh phía Bắc, nên anh phải liên tục làm xét nghiệm Covid-19 tại các chốt. Thế nhưng khi được xét nghiệm miễn phí ở cửa ngõ Đà Nẵng khiến anh cảm thấy ấm lòng.

“Bây giờ vào bốc hàng, đến sáng sớm thì chạy ra đến địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế dừng lấy mẫu xét nghiệm hết 238.000 đồng. Dịch bệnh phải tuân thủ mọi quy định nhưng tôi rất vui khi được TP Đà Nẵng miễn phí xét nghiệm cho cánh tài xế, việc này như một sự động viên, giúp chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều”, anh Công cười nói.

Phân luồng “gỡ rối” cho tài xế

Thời gian qua, những ngày đầu thực hiện việc lấy mẫu test nhanh kháng nguyên, do phải chờ đợi kết quả trong khoảng thời gian từ 20 - 30 phút nên có xảy ra tình trạng ùn ứ.

Tuy nhiên, sau khi các điểm chốt được sắp xếp lại, phân luồng hợp lý thì các vướng mắc đều được giải quyết. Tất cả phương tiện đến điểm chốt đều được hướng dẫn đậu đỗ theo đúng quy định. Đa số tài xế và người dân khi đến chốt đều chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch.

Ngày 10/9, ông Tiết Đinh Quang - Trưởng phòng ATGT, Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cùng Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng kiểm tra công tác phân luồng, đảm bảo giao thông tại chốt kiểm soát dịch trên QL1A (đoạn đi qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Theo ghi nhận, tại chốt kiểm soát, đoàn xe tải nối đuôi nhau kéo dài hàng trăm mét. Lực lượng CSGT tổ chức phân luồng xe chạy 2 làn trong, ngoài (hướng Nam – Bắc), làn đường ở giữa để trống nhằm giúp các phương tiện di chuyển sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm tra luồng xanh.

Đại tá Phan Ngọc Truyền cho hay, để giảm tải cho chốt kiểm soát, Phòng CSGT bố trí các chốt tách biệt. Theo đó, chốt thứ nhất sẽ kiểm tra, test Covid-19 đối với người trên xe ô tô con và các xe tải dưới 7,5 tấn. Cách đó vài trăm mét sẽ bố trí chốt trả kết quả để tránh tập trung đông người và phương tiện.

Đối với các xe trên 7,5 tấn, xe đầu kéo sẽ phân luồng vào kiểm tra tại chốt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tại đây cũng được tổ chức 2 điểm lấy mẫu và trả kết quả riêng biệt.

Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, tình trạng ùn ứ tại chốt Hòa Phước do xe luồng xanh không vào thành phố và xe vào thành phố đi hỗn hợp, chưa có sự phân luồng từ xa.

“Phòng CSGT vừa tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Sở GTVT lắp giá long môn để phân luồng từ xa, từ đó hạn chế sự xung đột giữa các dòng phương tiện. Khi có giá long môn, bài toán ùn ứ sẽ được giải quyết”, Đại tá Truyền thông tin.

Qua kiểm tra thực tế, ông Tiết Đinh Quang và Đại tá Phan Ngọc Truyền thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền cải tạo dải phân cách cứng tại các vị trí đặt chốt kiểm soát dịch thành dải phân cách mềm để phân luồng xe thuận tiện hơn, hạn chế tối đa ùn tắc, tăng năng lực thông hành.

Giải thích về việc test nhanh kháng nguyên Covid-19, tất cả tài xế vào thành phố dù có xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực trong 72 giờ, Đại tá Truyền cho rằng, việc này phải căn cứ vào thực tiễn, bởi qua test nhanh tại các cửa ngõ đã phát hiện 15 tài xế dương tính SARS-CoV-2 trước khi vào thành phố.

“Bài học thực tiễn đã có, tài xế dương tính vào lây nhiễm bệnh trong thành phố, hình thành các chuỗi lây nhiễm phức tạp. Đà Nẵng có cách làm riêng để ngăn chặn tối đa các nguồn lây.

Tài xế chỉ chờ tối đa nửa tiếng, còn cả thành phố đã phải chờ mấy tháng trời. Thành phố cũng test Covid-19 hoàn toàn miễn phí, vừa đảm bảo an toàn cho thành phố, vừa an toàn cho chính tài xế”, Đại tá Truyền nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...