Đà Nẵng: “Đất vàng” ế khách dù đã giảm giá

GD&TĐ - Trong năm 2020, TP Đà Nẵng trải qua 2 đợt dịch bệnh khiến tình hình cho thuê mặt bằng nhà phố rơi vào tình trạng khó khăn.

Người dân treo bảng cho thuê nhà tại đường Lê Duẩn (TP Đà Nẵng).
Người dân treo bảng cho thuê nhà tại đường Lê Duẩn (TP Đà Nẵng).

Nhiều ngôi nhà mặt phố ở Đà Nẵng, dù đã giảm giá nhưng vẫn luôn trong tình trạng “ế” khách.

Mặt bằng trên “đất vàng” giảm giá

Nhiều mặt bằng ở vị trí “đất vàng” ở các tuyến phố chính tại TP Đà Nẵng như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương… rơi vào tình trạng để trống. Các bất động sản này đóng cửa im ắng và treo bảng cho thuê. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nó dẫn tới việc kinh doanh của các cửa hàng như: Ăn uống, thời trang, văn phòng… rơi vào cảnh ế ẩm nên đành phải trả mặt bằng, hoặc đóng cửa. 

Treo biển cho thuê gần cả hàng tháng nay, kèm theo việc giảm giá, nhưng nhiều mặt bằng vẫn đang trong tình trạng “ế” khách. Theo tìm hiểu của PV, hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê đều đã giảm giá tiền thuê từ 10 - 15% so với trước đây.  

Anh Nguyễn Văn Phú, chủ căn nhà 1 tầng tại đường Lê Duẩn (TP Đà Nẵng) cho hay, anh đã treo bảng gần 2 tháng nay vẫn chưa có người thuê. Diện tích căn nhà 250 m2 với giá thuê là 60 triệu/tháng. “Tôi chỉ cho thuê dài hạn thôi, ký hợp đồng thuê từ 3 đến 5 năm lần. Do dịch bệnh nên giá này là tôi đã giảm cho rồi. Chứ bình thường thì cao hơn nhiều”, anh Phú nói.  

Đối diện nhà anh Phú, chị Trần Thị Hoa, chủ căn nhà 2 tầng (đường Lê Duẩn) cho hay, trước đây mặt bằng nhà chị cho thuê 14 triệu đồng/tháng để bán áo quần. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát, buôn bán ế ẩm, người thuê đã trả lại mặt bằng. Treo bảng gần 3 tháng nay vẫn chưa có khách thuê.

“Trước đây nhờ có tiền cho thuê mặt bằng nên đủ trang trải chi phí trong gia đình. Mấy tháng qua, hết dịch Covid-19 đợt 1 và đợt 2 mặt bằng không cho thuê được. Gia đình cũng đã lấy tiền tiết kiệm ra để tiêu. Có người thuê, giảm giá một tí cũng không sao, vì dịch ai cũng khó khăn cả”, chị Hoa cho biết.   

Năm mới, hy vọng nền kinh tế khởi sắc

Chị Hoàng Thị Oanh (chủ cửa hàng quần áo đường Phan Châu Trinh) cho biết, trước đó chị đã thuê toàn bộ tầng 1 căn nhà với giá 12 triệu đồng/tháng, thời gian 12 tháng theo hợp đồng và trả trước 6 tháng. Sau khi thuê, chị đầu tư thêm khoảng 130 triệu đồng để mua sắm kệ trưng bày, sửa sang lại và lắp đặt bảng hiệu. Tuy nhiên, mới hoạt động được gần 2 tháng, cửa hàng phải đóng cửa vì Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 lần 2.

“Tôi mới kinh doanh được khoảng 2 tháng thì dịch bệnh nên phải đóng cửa. Thời gian đầu mới mở, khách cũng chưa quen nên thu chỉ đủ bù chi. Dịch bệnh xảy ra nên tôi đành đóng cửa, nghỉ bán. Hợp đồng đã ký, tiền đã đóng 6 tháng, giờ mình trả là vi phạm hợp đồng, phải bồi thường cho người ta”, chị Oanh cho biết.

Cũng theo chị Oanh, chủ nhà thông cảm, không phạt theo hợp đồng. Số tiền chị đã trả 6 tháng, qua thương lượng, chủ nhà bớt lại cho 2 tháng. “Mình đăng Facebook sang nhượng cửa hàng nhưng không có ai mua. Mình kinh doanh nhỏ, tính sơ bộ đã lỗ khoảng 150 triệu đồng. Bây giờ vợ chồng đang bán hàng qua mạng. Hy vọng năm 2021 này sẽ khởi sắc để buôn bán và bù lại những chi phí bỏ ra trước đó”, chị Oanh chia sẻ.

Liên hệ với một chủ mặt bằng trên đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu), chị Đặng Kim Yến cho biết, chị cho thuê nguyên căn 3 tầng, diện tích 80m2, giá cho thuê là 30 triệu đồng/tháng.

“Trước đây, chị cho thuê bán quán ốc, do dịch bệnh Covid-19 nên người ta đã trả mặt bằng. Mặt bằng này chị đã cho thuê nhiều năm nay. Giá như vậy là ưu đãi cho khách thuê rồi. Gần tới Tết Nguyên đán, hy vọng sẽ có khách đến thuê mặt bằng, nếu có khách thuê thì sẽ có chi phí trang trải cho gia đình”, chị Yến chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Vân cho thuê mặt bằng quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho hay, chưa bao giờ việc cho thuê mặt bằng lại ế ẩm như hiện nay. Khách thuê cũ phải giảm giá 10% - 20% nếu không họ đòi dọn đi chỗ rẻ hơn hoặc chỗ giá tương tự nhưng rộng rãi và khang trang hơn.

“Nếu mình không giảm giá cho thuê thì thất thu, mà có giảm giá đến giờ cũng chưa có ai thuê. Chỉ mong năm 2021 này dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi. Lúc đó thì mới có hy vọng trở lại” – chị Vân nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.