Ngày 1/9, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp để bàn giải pháp nới lỏng các hoạt động sau ngày 5/9 khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, TP đã kìm chế sự gia tăng của các ca F0.
Ông Quảng cho rằng, nếu TP không có những biện pháp mạnh như thời gian vừa qua thì với tốc độ lây lan, số lượng F0 trong cộng đồng tăng lên rất cao. Bí thư Đà Nẵng cho rằng, TP đã đánh giá đúng tình hình, quyết định được các biện pháp mạnh, đúng thời điểm, có được sự thống nhất cao về tổ chức thực hiện từ TP đến cấp cơ sở...
Ông Quảng cũng nhấn mạnh: “tới đây, chúng ta phải theo tinh thần sống chung với dịch…Trạng thái của chúng ta là luôn luôn sống cùng với dịch, chứ không thể nói rằng chúng ta ngăn chặn được nó”.
Định hướng mục tiêu sau ngày 5/9, khi Đà Nẵng hết thời gian giãn cách, ông Quảng yêu cầu phải giữ được thành quả 20 ngày vì đã bỏ ra công sức, tiền bạc, thời gian rất lớn. Nếu không tất cả sẽ trở thành vô nghĩa.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là quan điểm phải để người dân chủ động hơn, người dân phải tự giác hơn trong công tác phòng chống dịch.
“Người dân phải tự chủ động hơn trong bảo vệ mình. Việc phân ra các vùng đỏ, vàng, xanh là để người dân tự bảo vệ chính mình”, ông Quảng nói. Từ đó, có những biện pháp ở những mức độ khác nhau để phòng chống dịch.
Theo ông, dịch bệnh vẫn còn 5 nguồn lây nhiễm, bao gồm: ca bệnh trong cộng đồng; nguy cơ lọt ra từ khu phong tỏa và các kiệt, hẻm trong đó lọt người, lọt mầm bệnh từ không khí, chó mèo, rác… Nguy cơ từ số người sau cách ly 14 ngày. Nguồn lây từ đầu mối đưa hàng hóa vào như chợ, cảng cá, lái xe về từ vùng dịch.
Ông Quảng cho biết, vừa qua, TP đã quyết liệt việc test nhanh lái xe vào TP với khoản chi phí lớn nhưng đã phát hiện được 7 người nhiễm Covid-19. “Nếu cứ làm say sưa ở trong nhưng 7 người này lọt vào thì thành quả chúng ta không giữ được. Tôi đề nghị ngành y tế tham mưu ngăn chặn được 5 nguồn lây này. Nếu không thì luôn có khả năng dịch bùng lên bất cứ lúc nào”, ông Quảng nhấn mạnh.
Ông đề nghị bổ sung các hoạt động xác đáng, như: nông dân thu hoạch, người cắt cây xanh, thông cống để phục vụ phòng chống lụt bão…
Về việc cho người dân đi chợ, Bí thư Đà Nẵng cho rằng, cần cho người dân đi chợ ở mức độ nhất định vì không thể cung ứng mãi được.
Theo ông Quảng, thời điểm này, TP chưa cho mở lại chợ truyền thống, giữ nguyên mô hình các điểm bán hàng như hiện nay và cho tăng thêm mặt hàng. Người dân sẽ đi ra điểm bán hàng để mua hàng.
“Việc cấp thẻ đi chợ thì giao cho phường xã cấp và quy định cụ thể đơn vị nào cấp. Tôi đề nghị là cấp theo 5 ngày/1 lần và 1 hộ chỉ cho 1 người đi chợ. Phải giao trách nhiệm cho phường, việc cấp giấy không cấp đại trà mà cấp theo đợt. Muốn kiểm soát người dân đi ra đường thì phải kiểm soát việc cấp giấy cho người dân”, ông Quảng nói.