Đà Nẵng công khai danh sách khách sạn, nhà hàng vi phạm quy định xả thải: Sẽ áp dụng mức xử lý cao nhất

GD&TĐ - Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa công khai danh sách các khách sạn, nhà hàng ở Đà Nẵng có nhiều sai phạm liên quan đến hồ sơ môi trường, cấp phép đấu nối xử lý nước thải, khai thác nước dưới đất… 

Cống xử lý thoát nước khu vực ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn thường đen ngòm sau những trận mưa lớn
Cống xử lý thoát nước khu vực ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn thường đen ngòm sau những trận mưa lớn

Ngoài việc chuyển Thanh tra Sở xử lý vi phạm hành chính, cơ quan này cũng đã kiến nghị UBND TP có văn bản chỉ đạo các đơn vị như Sở Xây dựng, UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là sẽ áp dụng hình thức xử lý cao nhất, có thể là tạm dừng hoạt động để các đơn vị vi phạm khắc phục nếu có liên quan đến đánh giá tác động môi trường.

Thông số chất thải vượt ngưỡng cho phép 92 lần

Qua kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải của các cơ sở, hộ dân khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, Sở TN&MT Đà Nẵng đã phát hiện hàng loạt khách sạn, nhà hàng ven biển xả thải ra môi trường có các thông số vượt chuẩn cho phép từ vài lần đến hàng chục lần, thậm chí có khách sạn thông số chất thải vượt ngưỡng cho phép 92 lần.

Các khách sạn bị đề nghị chuyển Thanh tra Sở xử lý vi phạm hành chính về nước thải, bao gồm: Khách sạn Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris DeliLuxtery, Sea Castle 2, Lê Hoàng, Hùng Anh, Zentimeter, Parze Ocean, Misa, Sea Front. Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm về cấp phép xây dựng. Có 4 khách sạn tăng thêm phòng lưu trú, gồm: Khách sạn Golden Star tăng từ 49 phòng lên 60 phòng, Aria Grand Hotel tăng từ 40 phòng lên 73 phòng, Aria tăng từ 48 phòng lên 69 phòng, Queens Finger Hotel tăng từ 49 phòng lên 54 phòng.

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, trong tháng 3, đoàn kiểm tra về hồ sơ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khu vực ven biển 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Kết quả cho thấy có 16/34 cơ sở không có giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước, có 16/34 cơ sở không có lắp đặt bể tách mỡ tại khu vực nhà bếp.

Về hồ sơ môi trường: Có 33 cơ sở vi phạm, trong đó có 12 cơ sở lưu trú và 11 nhà hàng chưa có hồ sơ môi trường, 11 cơ sở thực hiện không đúng cam kết tại hồ sơ môi trường. Về giấy phép xây dựng: 16/58 cơ sở không có giấy phép (9 khách sạn, 7 nhà hàng); 34/58 cơ sở (15 khách sạn, 19 nhà hàng) không có giấy phép đấu nối, trong đó, phần lớn nhà hàng có giấy phép xây dựng là nhà ở, biệt thự; 10/58 cơ sở có khai thác nước dưới đất, nhưng không đăng ký.

Tại lưu vực Ngũ Hành Sơn, có 3 trạm bơm, với 10 máy bơm hoạt động, không có cơ chế luân phiên. Qua theo dõi tình trạng bơm từ tháng 1 - 3/2019, lưu lượng trung bình 23.761 m3/ngđ, quá công suất xử lý của trạm. Theo tính toán của Sở Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải hiện nay không đáp ứng với tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ ở khu vực này. Từ tháng 4/2018 đến nay, đã xử lý 200 sự cố nước thải tràn ra biển. So sánh số liệu nước cấp của lưu vực này thì đã quá tải khoảng 3.600 m3/ngđ và dự báo đến năm 2020, lượng nước phát sinh khoảng 26.500 m3/ngđ. Như vậy, hệ thống thu gom hiện trạng còn thiếu khoảng 10.750 m3/ngđ, hệ thống xử lý nước thải còn thiếu khoảng 10.300 m3/ngđ. 

Sẽ áp dụng mức xử lý cao nhất

Ông Tô Văn Hùng cho biết, việc công bố danh sách các cơ sở vi phạm mới chỉ là bước đầu, sau khi Sở TN&MT tổ chức kiểm tra. “Quan điểm của thành phố cũng như các biện pháp mà hiện nay Sở TN&MT đang áp dụng là sẽ áp dụng hình thức xử lý nghiêm nhất, đặc biệt là những vi phạm liên quan đến vấn đề đánh giá tác động môi trường thì sẽ áp dụng luôn hình thức tạm dừng hoạt động để khắc phục, ngoài xử phạt hành chính ra. Tức là nếu vi phạm mà chưa theo Nghị định 185 về xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, thì hình thức nào cao nhất Sở sẽ áp dụng”.

Ngoài ra, Sở TN&NT Đà Nẵng còn đề nghị UBND các quận xử lý theo thẩm quyền nhiều khách sạn vi phạm những nội dung khác trong phạm vi cấp phép của quận như: Chưa có giấy phép đấu nối thoát nước, không có giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước; chưa có hồ sơ môi trường, thực hiện không đúng cam kết tại hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; không có giấy phép xây dựng; không đăng ký khai thác nước dưới đất.

Ngoài việc xử lý vi phạm, ông Tô Văn Hùng cho biết, Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện các định về: Vận hành hệ thống xử lý nước thải, thực hiện thủ tục môi trường do thay đổi quy mô, công suất, quan trắc tự động, chuyển nhượng thất lạc hồ sơ hoặc không rõ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, cấp phép sử dụng nước dưới đất…; yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ kỹ thuật có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với hệ thống công suất > 30m3/ngày; khuyến khích xử lý nước thải đạt yêu cầu và tái sử dụng lại với mục đích phù hợp.

Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng cùng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải hướng dẫn thủ tục đấu nối nước thải, đấu nối tạm thời cho các dự án đang thi công trên tuyến đường từ 10m trở lên, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình các đơn vị triển khai xây dựng đấu nối vào hệ thống...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.