Đà Nẵng: 4 năm nữa mới đóng cửa bãi rác Khánh Sơn

GD&TĐ - Theo kế hoạch, cuối năm 2018, Đà Nẵng sẽ đóng cửa, di dời bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Thế nhưng, trong buổi đối thoại giữa UBND TP với người dân sinh sống xung quanh khu vực này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch TP cho biết vẫn chưa thể di dời bãi rác này và sẽ duy trì hoạt động cho đến năm 2022.

UBND TP cho biết, sẽ khắc phục tối đa mùi hôi và hạn chế ảnh hưởng môi trường, trồng cây xanh quanh khu vực bãi rác trong thời gian kéo dài hoạt động
UBND TP cho biết, sẽ khắc phục tối đa mùi hôi và hạn chế ảnh hưởng môi trường, trồng cây xanh quanh khu vực bãi rác trong thời gian kéo dài hoạt động

Đỡ hôi vài ngày vì dân chặn xe chở rác

Lý giải về nguyên nhân người dân Khánh Sơn chặn xe chở rác vào các ngày 22 và 23/9, yêu cầu TP di dời bãi rác như đã hứa, bà Nguyễn Thị Thành (tổ 162, phường Hòa Khánh Nam) cho biết: “Cứ mỗi lần dân Khánh Sơn phản đối, chính quyền xuống gặp dân, hứa hẹn thì bãi rác không còn hôi nữa. Nhưng chỉ được vài ngày, mùi hôi thối lại bốc lên như cũ.

Chúng tôi nghĩ là vẫn có quy trình xử lý để đỡ mùi, nhưng tại sao không xử lý dứt điểm mùi hôi mà cứ phải hành hạ người dân như vậy?”. Bà Thành cho rằng khi xây dựng lò đốt, Sở Tài nguyên và Môi trường nói đây là lò ngoại, không có khói, “nhưng mỗi khi lò đốt hoạt động thì cả một vùng bao trùm toàn khói, như đánh bom”.

Người dân Khánh Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngoài nước rỉ từ bãi rác, họ còn phải chịu đựng mùi hôi, ô nhiễm từ bùn thải công nghiệp, xe chở rác làm đổ nước ra đường… Đặc biệt, thời gian gần đây, có tình trạng đổ rác thải chung với nước hầm cầu, bùn cống, bùn thủy sản… nên mùi rất nặng.

Ông Nguyễn Đức Trung thẳng thắn: Suốt mấy chục năm qua, người dân Khánh Sơn phải sống chung với rác thải của cả thành phố, ăn - ngủ cũng mùi rác. “Các cháu học sinh Trường Tiểu học Hồng Quang cũng phải hít thở mùi nước rỉ từ bãi rác chảy xuống phía sau trường. Thử hỏi con em các vị học ở đó thì các vị có đau xót không?”.

Hơn 100 người tham dự buổi đối thoại cùng chung nguyện vọng, thành phố cần sớm đóng cửa bãi rác Khánh Sơn và có biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người dân do ảnh hưởng bởi ô nhiễm nặng nề bấy lâu nay.

Người dân Khánh Sơn trình bày nguyện vọng muốn TP đóng cửa bãi rác Khánh Sơn vào cuối năm 2019 này đúng như kế hoạch

Người dân Khánh Sơn trình bày nguyện vọng muốn TP đóng cửa bãi rác Khánh Sơn vào cuối năm 2019 này đúng như kế hoạch

Triển khai ngay các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận để người dân phải chặn xe rác là có phần chậm trễ của chính quyền. Riêng về lộ trình di dời bãi rác, ông Tuấn cho rằng cần phải bàn kỹ hơn. Tháng 5 vừa qua, HĐND và UBND TP đã thống nhất khả năng kéo dài việc dời bãi rác Khánh Sơn đến năm 2022 do việc lựa chọn vị trí mới, công nghệ vẫn chưa được như dự kiến.

Trong thời gian kéo dài hoạt động của bãi rác, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các đơn vị có liên quan phải thực hiện ngay những giải pháp nhằm hạn chế mùi hôi; đơn vị vận hành bãi rác phải thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm và đưa vào hoạt động ngay các công trình giảm thiểu ô nhiễm.

Theo đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, đã lắp đặt 2 camera quan sát xoay 360 độ tại khu vực bãi đổ rác hiện tại để giám sát công tác xử lý rác thải. Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị đã thu hẹp phạm vi đổ rác còn khoảng 2.000 m2 đồng thời phủ đất với tần suất 2 ngày/lần bảo đảm việc giám sát; tăng cường phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi lên 6 lần/ngày bắt đầu từ ngày 21/9.

Các loại chất thải của nhà máy bia và bùn cống, bùn thủy sản đã được tách khỏi rác sinh hoạt, tập trung về khu vực phía Tây của hộc rác số 5 và xử lý trong ngày. Đối với bùn cũ đã tiến hành xử lý, hoàn thành trong ngày 22/9. Với bùn cống, bể phốt hầm cầu, công ty sẽ thực hiện xử lý san gạt, phun chế phẩm, phủ đất trong ngày. Việc thực hiện phủ bạt HDPE tạm thời tại các hộc chôn lấp đang đóng cửa tạm thời sẽ được tiến hành từ ngày 20/10.

“Thành phố cũng đã đầu tư khoảng 90 tỉ đồng cho khu xử lý nước thải và ngày 15/10 này đưa vào vận hành để đảm bảo nước thải được xử lý, không bị rò rỉ” – ông Tuấn thông tin thêm. UBND TP cũng giao cho Sở Y tế chủ trì cùng các cơ quan chức năng khảo sát hoạt động bãi rác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào và có những đề xuất giải pháp cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.