(GD&TĐ) - Sáng 18/4, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn.
Đến nay, công tác triển khai bầu cử diễn ra đúng tiến độ, quy trình |
Theo Bộ Nội vụ, Các bộ, ngành ở Trung ương đã bám sát tiến độ triển khai công tác bầu cử theo thẩm quyền được Thủ tướng Chính phủ phân công; các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các tuyến đường phố, khu dân cư.
Đến ngày 17/4, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập tại mỗi khu vực bỏ phiếu một tổ bầu cử. Theo tổng hợp sơ bộ, cả nước dự kiến thành lập khoảng 93.800 tổ bầu cử, trong đó có trên một nửa số khu vực bỏ phiếu có thành viên Ban bầu cử kiêm nhiệm vụ Tổ bầu cử.
Sau khi hoàn thành tổ chức 4 bước của quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, từ ngày 13 đến 17/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện bước năm của quy trình hiệp thương, tổ chứ Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Các tỉnh, thành phố đã trình Chính phủ phê chuẩn danh sách 1.045 đơn vị bầu cử và 3.832 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Trong đó có 7 đơn vị bầu cử một đại biểu cấp tỉnh, 30 đơn vị bầu cử của 14 tỉnh, thành phố bố trí bầu 2 đại biểu, còn lại 1.014 đơn vị bầu cử bầu từ 3-5 đại biểu.
Các cấp chính quyền địa phương đã ấn định số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân của từng đơn vị hành chính, số lượng các đơn vị và số đại biểu được bầu của từng đơn vị bầu cử theo quy định của Luật. Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố đã ấn định 21.090 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 275.905 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.
Được biết, có 7 tỉnh đề nghị được tổ chức bầu cử sớm (Hải Phòng, Đắk Lắk, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Bình) và 1 địa phương xin lùi ngày bầu cử (Lai Châu) so với quy định. Sau khi kết thúc đợt giám sát thứ 2 trong ngày 18/4, UBTVQH sẽ có báo cáo chính thức về vấn đề này.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Cần Thơ, Đà Nẵng đề nghị các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử giải thích rõ hơn về việc có được kết thúc sớm hơn 19 giờ khi 100% cử tri đã đi bầu cử không; các biểu mẫu, trang trí địa điểm bỏ phiếu, khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử được thực hiện như thế nào; kinh phí cho công tác bầu cử; người có quyền đi bầu, danh sách cử tri…
Hội nghị thống nhất, thời gian tới, các cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương tập trung chuẩn bị cho việc công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân hiểu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử, tích cực tham gia bầu cử; tăng cường công tác tiếp xúc cử tri của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Đồng thời, sẽ tiến hành đợt giám sát thứ 3 với 11 đoàn trực tiếp giám sát 22 tỉnh, thành phố từ ngày 2 – 20/5 về các vấn đề, như tập trung báo cáo việc người ứng cử tiếp xúc với cử tri, tình hình niêm yết danh sách ứng viên và danh sách cử tri, công tác đảm bảo an ninh trật tự, khiếu nại tố cáo …
Quốc Huy