Đã đi vào nền nếp và hướng đến chất lượng

Đã đi vào nền nếp và hướng đến chất lượng

(GD&TĐ) - Tại TP.HCM, Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông năm học 2011-2012. Hơn 120 đại biểu là lãnh đạo Sở, trưởng phòng GD-ĐT của 22 tỉnh thành trên cả nước đã về dự hội nghị. Phát biểu chỉ đạo, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Công tác dạy tiếng dân tộc đã cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả trong việc nâng cao dân trí, tạo tính bền vững trong việc đến trường và học tập của học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy các địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

Một năm với nhiều chuyển biến

Đánh giá về công tác dạy tiếng dân tộc trong trường phổ thông của các địa phương năm học 2011-2012, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Vụ trưởng vụ GDDT, Bộ GD-ĐT cho biết: Năm học qua công tác triển khai và dạy tiếng dân tộc cho học sinh là người dân tộc thiểu số đạt được những chuyển biến rất tích cực. Các địa phương ngoài việc tăng cường bồi dưỡng GV bằng nhiều hình thức (bồi dưỡng thay sách, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề…) còn chủ động xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức hoạt động bồi dưỡng, tiến hành kiểm tra đánh giá, một số tỉnh còn cấp chứng chỉ cho GV. 

Do đó, năm học 2011-2012 cả nước đã bồi dưỡng 1.967 lượt GV. Với 429 lượt GV bồi dưỡng chuẩn hóa, 662 lượt GV bồi dưỡng thường xuyên và 876 lượt GV bồi dưỡng chuyên đề. Năm học qua, bằng các hoạt động tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh bồi dưỡng GV, công tác thực hiện chương trình, SGK dạy tiếng Chăm, Khmer, H’mông, Jrai, Êđê, Bahna…tại các địa phương được thực hiện đúng quy định, theo từng cấp độ và cấp học, nên chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Tỉ lệ học sinh đạt loại giỏi hai cấp (TH và THCS) đạt 32,1% (TH;15,7%, THCS: 16,4), học sinh đạt loại khá là 60,3% (TH; 30%, THCS: 30,3%). Đặc biệt, cấp TH tỉ lệ học sinh giỏi tiếng Hoa đạt tới 72,2%, Ê đê: 49,8%, Bahnar:48,5% và Chăm đạt: 45,1%. Bậc THCS tiếng Khmer đạt tỉ lệ 46,3%.

Những chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo theo nhiều đại biểu đã phản ánh rõ nét sự cố gắng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng DTTS của các địa phương. Bên cạnh đó, việc được học bằng tiếng mẹ đẻ đã mang lại sự hứng thú, say mê học tập cho học sinh rất nhiều,  các em ít bỏ học hơn. Điển hình như tỉnh Sóc Trăng. Năm học 2011-2012 toàn tỉnh có 158 trường có dạy tiếng dân tộc cho hơn 1.719 lớp với 46.626 học sinh. Trong đó, TH là 119 trường(1.335 lớp) với 31.136 học sinh được học bằng tiếng Khmer (79,9%). Bậc THCS là 349 lớp (9.436 em) chiếm tỉ lệ 55,3%, với trên 80% số học sinh học chữ Khmer có điểm trung bình 5 trở lên. Tương tự là Gia Lai, năm học 2011-2012, toàn tỉnh đã có 105 trường TH(tăng 8 trường) dạy tiếng dân tộc (tiếng Jrai và Bahna) với 437 lớp học (10.859 học sinh) tăng 495 em. Số GV giảng dạy tiếng dân tộc là 286 người (254 dạy tiếng Jrai, 32 dạy tiếng Bahna). Tỉ lệ học sinh khá giỏi của tỉnh cũng đạt tỉ lệ rất cao.

Đánh giá về công tác triển khai việc dạy tiếng dân tộc năm học 2011-2012 tại các địa phương, phần lớn các đại biểu đều cho rằng năm học vừa qua, việc dạy học tiếng DTTS tiếp tục được giữ vững về quy mô trường lớp, tăng về số lượng học sinh. Hoạt động dạy và học ngày càng đi vào nề nếp và chất lượng ngày càng được nâng cao. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai điểm nổi bật nhất trong dạy tiếng dân tộc tại trường phổ thông năm học vừa qua chính là các địa phương đã tập trung đẩy mạnh được chất lượng dạy và học. Tác động tích cực  đối với học sinh, GV đứng lớp từ NĐ 82 là rất rõ ràng, hiệu quả và chất lượng đào tạo được phụ huynh và xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, những khó khăn và thách thức mà các địa phương phải đối mặt trong việc dạy tiếng DTTS, công tác quản lý, đào tạo GV, thực hiện chế độ chính sách … là không nhỏ.

Tháo gỡ khó khăn cho địa phương

Ông Tạ Chí Tài, Phó phòng GD-ĐT huyện Chư sê (Gia Lai) và bà Đoàn Thị Hà (Yên Bái) phụ trách về GDDT kiến nghị Bộ GD-ĐT, Vụ GD-DT cần tháo gỡ nhân sự (điều dưỡng, bảo vệ, quản lý học sinh) cho các trường PTDTNT và bán trú. Tháo gỡ những vướng mắc trong việc cấm GV dạy quá 200 giờ để họ có thể hưởng quyền lợi và đỡ thiệt thòi khi dạy quá số giờ trên. Ngoài những kiến nghị tháo gỡ liên quan đến chế độ chính sách cho những người làm công tác GDDT gồm: GV, CB quản lý, người biên soạn sách, giáo trình tại các địa phương, cán bộ chuyên trách mảng GDDT tại các phòng GD vùng sâu, vùng xa… nhiều đại biểu cũng mong Bộ  sớm có đề xuất với Bộ Tài chính để sớm có kinh phí nhằm thực hiện thông tư liên tịch (số 50), mặt khác có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương có dạy tiếng DTTS phối hợp chặt chẽ hơn với các trường ĐH, CĐ để có đủ cơ sở pháp lý mở lớp đào tạo GV dạy tiếng dân tộc. 

Ông Lộ Minh Trại, trưởng phòng GD-ĐT, Sở GD- ĐT tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Bộ cần nghiên cứu trang bị đồ dùng dạy học cho GV và dụng cụ học tập tiếng dân tộc cho học sinh. Có chủ trương biên soạn các bộ sách phục vụ các phân môn kể chuyện, luyện từ và câu; Sớm có kế hoạch chỉnh sửa những tồn tại và lạc hậu của bộ SGK hiện nay. Đặc biệt, Bộ  cần sớm thực hiện chế độ ưu đãi, thu hút cho cán bộ làm công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy và học tiếng dân tộc…Bởi theo ông, thực tế tại địa phương đang tồn tại rất nhiều bất cập, GV dạy học thì không được đơn vị nào công nhận, cấp giấy chứng nhận, CB biên soạn sách thì không có chế độ gì…

Trả lời cho những thắc mắc và kiến nghị của các đại biểu, Vụ trưởng vụ GDDT Nguyễn Thị Thu Huyền đã chỉ rõ những quy định và hướng dẫn trong việc thực hiện các chính sách, hỗ trợ hoặc kinh phí cho các vấn đề liên quan đến GDDT… tất cả đều đã quy định rất rõ và chi tiết trong NĐ 82, Thông tư 59 và chỉ thị số 38 sửa đổi. Riêng với vấn đề tháo gỡ để GV dạy vượt 200 giờ được hưởng các chế độ phụ cấp, Vụ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm vì đây là quy định của Luật lao động, nếu chúng ta không chấp hành quy định trên, tức chúng ta đã vi phạm Luật lao động. Vụ trưởng cho biết sẽ xem xét, báo cáo và trình lãnh đạo Bộ, để cố gắng tăng thêm định biên ( đối với GV dạy 2 buổi/ngày) cho các trường PTDTNT để có cơ sở chi trả phúc lợi, tránh thiệt thòi cho GV. Riêng với việc tăng thêm định biên, chế độ cho CB quản lý, người biên soạn sách, chương trình học như kiến nghị của đại diện tỉnh Yên Bái và Gia Lai, vụ trưởng Huyền cho rằng các quy định về định biên, chế độ đãi ngộ đã được quy định và nói rất rõ, với từng đối tượng và từng loại hình trường, đối tượng học sinh. Vì vậy, vụ trưởng yêu cầu các trường cần quán triệt và thực hiện đúng các quy định đã được ban hành. Riêng với những thiệt thòi của CB quản lý, người biên soạn sách (không được phụ cấp, hưởng chế độ ưu đãi 0,3% theo thông tư 50) vụ trưởng đề nghị các địa phương cùng chia sẻ vì hiện nay quy định chưa có. Vụ trưởng cũng cho biết, sắp tới vụ sẽ trình các kiến nghị của các đại biểu, sửa đổi thông tư 59 để quyền lợi của những người làm công tác GDDT được đảm bảo hơn.

Ngoài hàng loạt vấn đề, khó khăn mà các địa phương mong muốn, kiến nghị lên lãnh đạo vụ, Bộ GD- ĐT những vấn đề “nóng” như các Sở vẫn chưa hỗ trợ nhiều (tạo điều kiện) cho những trí thức người dân tộc tham gia biên soạn sách, có điều kiện, thời gian đầu tư và trao đổi với hội đồng biên soạn sách của trung ương. Định mức cho công tác biên soạn còn quá thấp, không thu hút được người biên soạn toàn tâm, toàn ý. Về các vấn đề này, Vụ trưởng Nguyễn Thị Thu Huyền ghi nhận và sẽ sớm có những kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD để tìm hướng đi thích hợp nhất, tháo khó cho các địa phương ở một số vấn đề, giúp cho công tác dạy tiếng DTTS được hiệu quả hơn.

Phát biểu kết thúc hội nghị, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận những cố gắng của các địa phương trong việc khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, thực hiện hiệu quả công tác nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh dân tộc thiểu số. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng GV, chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng các hình thức bồi dưỡng GV dạy tiếng dân tộc, hoàn thành khung đào tạo. Đặc biệt, các địa phương cần phải quán triệt tinh thần và chấp hành thật đúng những quy định mà NĐ 82 về công tác dân tộc đã ban hành. 

Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số khi dạy thí điểm một chương trình nào cần phải đề xuất, đề nghị để Vụ GDDT hỗ trợ và tham vấn cho tốt hơn. Riêng với những bất cập trong chế độ chính sách, ưu đãi cho GV, CB quản lý làm công tác dạy tiếng dân tộc mà địa phương kiến nghị, thứ trưởng đề nghị vụ GDDT tiếp thu, ghi nhận để sớm có những chính sách tháo gỡ để công tác dạy và học tiếng DTTS tại các vùng miền khó khăn trên cả nước được hiệu quả hơn. 

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...