Cùng với việc bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm phát triển thể chất cho trẻ mầm non là yêu cầu cần thực hiện đối với chương trình giáo dục mầm non sửa đổi. Cách làm này được nhiều chuyên gia khuyến nghị và cũng là sáng tạo của nhiều cơ sở giáo dục mầm non.
Chuyên gia nói gì
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Cù Thị Thủy cho biết: “Trẻ phát triển về thể chất, tinh thần và vận động là vấn đề hết sức quan trọng. Từ lâu nay, các cơ sở giáo dục mầm non chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo thói quen. Giờ đây, yêu cầu chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đã khác, cần có hiểu biết về chuyên môn. Các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non phải là người nắm vững yêu cầu này để chia sẻ thông tin, truyền thông tới cha mẹ trẻ và cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.
ThS.BS Đặng Thị Thu Hà, giảng viên chính, Khoa GDMN, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ: Từ lâu nay chúng ta vẫn quen với việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ như việc làm bình thường, thiếu những bước, quy trình vệ sinh, chăm sóc và hoạt động thể chất của trẻ đúng theo chuẩn quy định.
Điều này cần phải sớm thay đổi, đầu tiên là quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, sau đó là trực tiếp các cô giáo đang phụ trách lớp. Để việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ hiệu quả và chất lượng, cần làm rõ nhiều nội dung cần thiết, liên quan đến phát triển thể chất cho trẻ, đặc biệt trong bối cảnh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khi ở trường.
Trong khi đó, ThS.BS Đặng Thị Thu Hà, giảng viên chính - Trường CĐSP Trung ương: Việc xác định được mục tiêu, nội dung và các hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ là hết sức quan trọng. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên cần phải đề xuất được các nội dung và hình thức phối hợp với gia đình trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.
Muốn vậy, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường đều phải hiểu được tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe đối với sự phát triển cho trẻ mầm non và các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em. Mô tả được thực trạng công tác chăm sóc giờ ăn, giờ ngủ của trẻ.
Giờ vận động của trẻ tại Trường MN Hoa Phong Lan, TP Pleiku. |
Phong phú từ thực tiễn
Để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chất lượng đáp ứng yêu cầu mới, ThS Tạ Thị Kim Nhung, giảng viên chính Khoa GDMN, Trường Đại học Sư phạm Huế cho rằng: Cần phải giúp các cán bộ quản lý và giáo viên mầm non hiểu rõ hơn về thực tế công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, lứa tuổi mầm non với những phức tạp trong nuôi dạy, chăm sóc.
Xác định được vai trò của các chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Nhận diện được các loại suy dinh dưỡng, nguyên nhân và ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đối với trẻ. Giáo viên cũng phân tích được các yêu cầu của chế độ dinh dưỡng hợp lí cho trẻ theo độ tuổi. Quan trọng hơn nữa là tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với vận động thể lực cho trẻ.
Như ở Nghệ An, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT cho biết: Bên cạnh việc tổ chức các bữa ăn bảo đảm an toàn, dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường đặc biệt chú trọng vào hoạt động thể chất. Tôi hết sức tâm đắc với hoạt động hướng về cộng đồng của Đề tài: “Tham quan làng gốm” cho độ tuổi: Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi.
Trẻ biết về làng nghề: Địa điểm, khung cảnh, nhà xưởng, người lao động, nguyên liệu, quá trình sản xuất, các sản phẩm và lợi ích của sản phẩm. Trẻ biết vận dụng kỹ năng vận động thô, tinh để thực hiện các hoạt động tại làng nghề. Từ cách hoạt động này giúp trẻ tự tin, năng động và hoạt bát hơn trong sinh hoạt, đây cũng là điều giúp nâng cao sức khỏe cho trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường MN Hưng Thịnh, (huyện Trấn Yên, Yên Bái) cho rằng: Cùng với chế độ dinh dưỡng, vận động là cách giúp trẻ nâng cao thể lực hiệu quả. Như ở trường tôi, các hoạt động trải nghiệm tại vườn trường, khu vui chơi với việc trẻ thực hiện các hoạt động vận động thô (đi, chạy), tinh (nhào, nặn, tô màu). Trẻ thể hiện kỹ năng xã hội: Giao tiếp, làm việc nhóm. Thái độ: Trẻ có hứng thú tìm hiểu và giao lưu cùng các bạn. Không chỉ là vui chơi, các hoạt động này còn giúp trẻ thể hiện tình cảm với bạn bè và hiểu biết hơn về nghề truyền thống ở quê hương.
Ngoài ra, cô Nguyễn Thanh Thùy, Trường MN Hồng Ca (huyện Trấn Yên, Yên Bái) lại đưa ra kinh nghiệm tổ chức hoạt động lễ hội theo Chủ đề: “Hội khỏe măng non”. Với độ tuổi là trẻ mẫu giáo 3 - 6 tuổi, trong thời gian 60 phút tại sân trường mầm non.
Giáo viên được hướng dẫn tổ chức hoạt động theo mục tiêu: Trẻ nói được chính xác cách thực hiện các vận động. Trẻ vận dụng được kinh nghiệm vận động vào các hoạt động trong lễ hội. Kỹ năng: Trẻ thực hiện đúng kĩ thuật động tác theo yêu cầu của từng độ tuổi, có kỹ năng quan sát, làm việc nhóm, xử lý tình huống. Trẻ hứng thú với lễ hội, chủ động tham gia các hoạt động trong lễ hội.
TS Cù Thị Thủy cho rằng: Cần có các giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn và giấc ngủ cho trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Vận dụng kiến thức đã được trang bị, đề ra các biện pháp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục đáp ứng sự phát triển thể chất cho trẻ. Muốn vậy phải hiểu được mục đích, ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm đối với sự phát triển thể chất cho trẻ mầm non. Cùng với việc bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ cần chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa, tăng cường vận động thể lực để trẻ có thể chất tốt.