Đã có phương án để một bộ phận học sinh ở "vùng xanh" Hà Nội trở lại trường

GD&TĐ - Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã lên kịch bản chi tiết về các phương án cho học sinh ở "vùng xanh" trở lại trường học để trình UBND TP quyết định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mong ngày đi học trở lại

Hà Nội đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhưng hiện học sinh vẫn tạm dừng đến trường. Nhiều phụ huynh cho rằng nên tính toán cho học sinh vùng xanh quay lại trường sớm hơn, tùy tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục để tranh thủ và tận dụng thời gian vàng dạy trực tiếp cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 1.

Có con năm nay học lớp 1, chị Nguyễn Phương Thảo tại huyện Ba Vì cho rằng việc học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với học trực tuyến, nhất là đối với học sinh lớp 1. Ở vùng nông thôn, đường truyền mạng không ổn định nên cũng ảnh hưởng nhiều đến qua trình học trực tuyến.

"Nhiều tháng nay tại huyện Ba Vì không có trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, được coi là vùng xanh của thành phố. Các trường học đều đảm bảo an toàn nên hầu hết người dân đều mong muốn học sinh sẽ sớm được đi học trở lại. Học sinh được đi học trở lại sẽ giúp người dân sớm trở về cuộc sống bình thường mới", chị Thảo chia sẻ.

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Hà Nội cho biết: Nhiều ngày nay, huyện Ba Vì chưa ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, trong khi các trường học cũng đã sẵn sàng mọi phương án phòng dịch để đón học sinh trở lại trường theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Vì thế, có thể cho học sinh của Ba Vì quay lại trường sớm hơn dự kiến trên nguyên tắc đảm bảo công tác phòng, chống dịch, chia lớp theo ca để học giãn cách cũng như cho học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 2, lớp 6 quay trở lại trường trước. Nếu vùng xanh đảm bảo an toàn có thể tính toán cho các em quay lại trường sớm.

Tại huyện Mê Linh, bà Vũ Thị Thúy Hoa- Hiệu trưởng Trường THCS Quang Minh cho biết không chỉ giáo viên mà tất cả phụ huynh trên địa bàn xã đều mong muốn học sinh sẽ sớm quay trở lại trường học. Nhà trường luôn chuẩn bị điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để đón học sinh quay trở lại trường.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, từ nhiều ngày nay trên địa bàn huyện không có ca mắc mới. Do đó, huyện đề xuất lãnh đạo thành phố cân nhắc, tính toán thí điểm cho học sinh ở các “vùng xanh” đi học trở lại để đảm bảo chất lượng dạy học và tiến độ năm học.

Ban đầu có thể cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như: lớp 1, lớp 6, lớp 9, lớp 12 tới trường. Sau 1-2 tuần đảm bảo an toàn có thể mở rộng ra cho các khối lớp khác. Khi học sinh vùng xanh đi học trở lại, trường có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ có thể chia đôi lớp học để đảm bảo giãn cách.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến
Học sinh Hà Nội học trực tuyến

Cân nhắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh

Với hơn 2 triệu học sinh, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước và có sự chênh lệch đáng kể về điều kiện học tập giữa các quận, huyện. Việc tận dụng thời gian vàng để dạy học trực tiếp cho học sinh ở “vùng xanh” là cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã thực hiện việc này.

Cụ thể, tại tâm dịch Bình Dương, mỗi ngày lên đến hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới nhưng vẫn có phương án tận dụng “vùng xanh” để cho học sinh được đến trường học trực tiếp. Tỉnh đã xây dựng tới 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện.

Theo đó, các “vùng đỏ” sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức “vàng” có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và tại “vùng xanh”, học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.

Tỉnh Bắc Ninh dù vẫn còn có một số ca bệnh trong cộng đồng nhưng đã cho học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp được đến trường học tập trực tiếp từ 15/9, mỗi lớp thành 2 ca, một ca học buổi sáng, một ca lớp học buổi chiều để đảm bảo giãn cách.

Ngay cả ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, Bắc Ninh vẫn bố trí cho học sinh lớp 1 và lớp 2 đến trường theo phương án địa bàn thôn, khu phố nào học tại thôn, khu phố đó đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định việc cho học sinh trở lại trường học là điều thành phố rất mong muốn, nhưng cũng phải rất cân nhắc. Trong phương án sắp tới, Hà Nội yêu cầu các trường, địa bàn đánh giá tiêu chí an toàn, từ đó sẽ thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố.

Còn ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc học sinh trở lại trường là mong muốn của cả Ngành giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên cũng phải tính đến thành quả chống dịch mà Thành phố Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua để có cân nhắc phù hợp và an toàn chống dịch.

Lấy ví dụ tỉnh Hà Nam trong ngày hôm nay đã tạm ngừng toàn bộ việc học tập trực tiếp ở trường vì phát hiện hàng chục học sinh và giáo viên dương tính với Covid-19, ông Cương cho rằng tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên không thể nóng vội. Mặc dù Hà Nội đã có 96,1% giáo viên được tiêm vắc xin nhưng học sinh dưới 18 tuổi chưa được tiêm nên rất nguy hiểm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết đã lên nhiều kịch bản, phương án trình UBND TP, trong đó có việc cho học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp như: khối 6, 9, 12, ở "vùng xanh" quay trở lại trường học. Các phương án này trước hết đảm bảo an toàn với học sinh nhưng vẫn bảo vệ được thành quả chống dịch của thành phố trong thời gian qua.

Công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 đã nêu rõ: Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ