Trình bày tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, BHTN quý III/2022, ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, cho biết, hiện, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho CSDL của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Đồng thời kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, DN sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc,… đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường số.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong việc tham gia, kết nối, chia sẻ CSDL giữa các Bộ, ngành. Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân.
Tính đến 17/10/2022, hệ thống đã xác thực 55.039.144 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 61.408.276 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành để “làm giàu” thêm CSDL Quốc gia về bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, DN.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, trình bày tại Hội nghị. |
Hiện tại, toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành.
Theo đó, gần như các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí trong các giao dịch với cơ quan BHXH.
Để triển khai thí điểm công tác KCB BHYT bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục KCB BHYT, đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia BHYT do BHXH Việt Nam quản lý.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp nhằm xác thực chính xác danh tính người bệnh khi làm thủ tục KCB BHYT, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi.
Tính đến 17/10/2022, toàn quốc đã có 11.634 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 91% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với 3.832.242 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Tính đến hết ngày 17/10/2022, đã có 280 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết.
Phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tích hợp thành công DVC “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC quốc gia. Tính đến 17/10/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 28.734 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành, tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC Quốc gia, cung cấp 07 DVC trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”.
Theo thống kê, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ (chưa tính số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin giám định BHYT trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu hồ sơ). Tính từ 01/01/2022 đến 17/10/2022, toàn Ngành đã tiếp nhận và xử lý 74.764.901 hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm khoảng 85% tổng số hồ sơ).