Tuy nhiên, giữa một rừng các phương pháp dạy con khiến nhiều bà mẹ tỏ ra lúng túng trong việc tìm ra một lối đi đúng cho việc giáo dục con trẻ.
Những “bà mẹ thông thái” dạy con
Thời đại công nghệ thông tin, các bà mẹ dễ dàng trở thành những “mẹ thông thái” với kiến thức nuôi dạy con phong phú, đa dạng. Khi gặp khó khăn gì trong việc nuôi dạy con, thay vì hỏi han kinh nghiệm của người đi trước, các bà mẹ thường vào Google tìm hiểu.
Chị Lê Thu Huyên, nhân viên marketing Công ty Toyota (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới sinh cháu thứ 2 nên mọi thông tin đều lên mạng tìm hiểu, vừa nhanh vừa tiện lợi, đơn giản chỉ cần một cái điện thoại thông minh hay máy tính là có thể tra cứu mọi thứ sẵn sàng. Đây cũng là xu thế chung mà bạn bè tôi áp dụng khá nhiều. Kinh nghiệm của các bà mẹ được chia sẻ trên mạng xã hội cũng rất hữu ích vì đó là sự trải nghiệm thực tế trong suốt quá trình nuôi dạy con. Thế nhưng, các bà mẹ nên bình tĩnh và sáng suốt để lựa chọn phương pháp nuôi dạy con khoa học và áp dụng phù hợp với từng đứa trẻ”.
Hiện nay, xu hướng nuôi con thời công nghệ trở thành một trào lưu của những bà mẹ trẻ. Mọi kiến thức từ khi mang thai tới khi sinh con, cách nuôi dạy con… đều có thể được tìm thấy trên mạng Internet. Ngay cả việc hát ru con, các bà mẹ cũng nhờ công nghệ hỗ trợ, mở nhạc, băng, đĩa cho con nghe. Khi con ốm, bệnh hay có các biểu hiện khác lạ, nhiều bà mẹ vội lên các diễn đàn hay Facebook để hỏi han các mẹ khác, hay thậm chí chụp hình nơi con có vấn đề để đưa lên hỏi.
Không chỉ Internet mà các đầu sách “dạy con” cũng khá phong phú trên thị trường với các phương pháp nuôi con của “mẹ Nhật”, “mẹ Tây”, “mẹ Đức”… Các bà mẹ truyền tai nhau với những cuốn “Ăn dặm kiểu Nhật” của Tsutsumi Chiharu; “Dạy trẻ thông minh sớm” của Glenn Doman & Janet Doman; “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” của Ibuka Masaru; Không có bà mẹ nào hoàn hảo - Tác giả: Ayako Harada... Không chỉ liên tục phát hành, giới thiệu các đầu sách mới, nhiều buổi giao lưu, trò chuyện xung quanh chủ đề dạy con từ sách cũng thường xuyên được tổ chức. Các bí quyết dạy con trở thành đứa trẻ thông minh, bí quyết dạy con thành thiên tài được, bí mật dạy con của các danh nhân thế giới cũng trở thành những bài học nằm lòng của nhiều phụ huynh.
Cần sự tinh tế của người mẹ
Trong gia đình, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu được. Ảnh hưởng của người phụ nữ đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống gia đình và ngày càng trở nên quyết định hơn. Tuy nhiên, trước ma trận các phương pháp nuôi dạy con, các chuyên gia cảnh báo rằng, áp dụng quá nhiều phương pháp các bậc phụ huynh sẽ “loạn”. Tìm phương pháp giáo dục phù hợp nhất để nuôi dạy con tùy thuộc vào sự khôn ngoan, thông minh của người phụ nữ.
ThS Phan Lan Phương, Phó Trưởng khoa Sư phạm Trường CĐ Cần Thơ cho biết: Ngày nay tỷ lệ phụ nữ tham gia công việc xã hội ngày càng nhiều và thành công không kém nam giới, nhưng nhìn chung công việc nội trợ vẫn còn là mảng công việc chủ yếu do phụ nữ đảm trách. Từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn, bày trí, sắp xếp, mua sắm... cũng một tay người phụ nữ lo liệu. Tất cả những công việc trên phụ thuộc vào vai trò của người phụ nữ. Để điều hòa được các mối quan hệ gia đình, nó đòi hỏi những đức tính đảm đang, dịu dàng, biết thông cảm, chịu khó và sự tinh tế ở người phụ nữ.
ThS Phan Lan Phương khuyên, các bà mẹ nên tìm phương pháp giáo dục phù hợp nhất để nuôi dạy con, cần hiểu rõ ưu nhược điểm của từng phương pháp giáo dục khác nhau và hiểu rõ con mình đừng áp dụng một cách máy móc. Nên tham khảo lời khuyên trên mạng là tốt nhưng không phải lời khuyên nào cũng phù hợp với con của bạn. Mỗi đứa trẻ đều có thể trạng khác nhau, không nên so sánh, học hỏi và áp dụng mù quáng, chỉ làm khổ con, khổ mình. Có nhiều trường hợp trẻ “rối loạn tâm lý, hành vi” chỉ vì cha mẹ hiểu sai phương pháp giáo dục.
Theo ThS Phan Lan Phương, điều quan trọng nhất đối với mỗi bà mẹ là phải dành thời gian cho con. Ngày nay cuộc sống bận rộn, phụ nữ không có thời gian chăm sóc con cái, họ vừa đảm bảo công việc cơ quan, vừa đảm nhiệm công việc gia đình, giữa các thành viên trong gia đình thiếu sự gắn kết, điều này sẽ gây nên những tác hại nghiêm trọng đối với chính những đứa trẻ, khi không được mẹ gần gũi và chia sẻ thường xuyên, có thể dẫn đến trầm cảm, tự kỷ.