Đá “biến chuyển” phá băng mùa Covid

GD&TĐ - Triển lãm điêu khắc đá mang tên “Biến chuyển” có thể được xem là cuộc trưng bày trực tiếp đầu tiên sau hơn 5 tháng giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.

Có tất cả 35 tác phẩm hội tụ trong “Biến chuyển”.
Có tất cả 35 tác phẩm hội tụ trong “Biến chuyển”.

35 tác phẩm đến từ chín nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng: Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Trần An, Thái Nhật Minh, Lương Trịnh và Đào Tân là kết quả từ chuỗi hoạt động lưu trú – sáng tác tại không gian nghệ thuật Lương Gia. Đó là cuộc trở về của điêu khắc đá đương đại giữa cái nôi làng nghề đá truyền thống Ninh Vân (Ninh Bình). 

Từ nguồn cội làng đá

Triển lãm điêu khắc đá “Biến chuyển” mở cửa tự do tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội) từ ngày 10/10 đến hết ngày 2/1/2022. Sau hơn 5 tháng giãn cách xã hội, mọi hoạt động nghệ thuật phải đóng cửa nên “Biến chuyển” được xem như triển lãm “phá băng” – khởi nguồn cho một tương lai mới.

Theo Ban tổ chức triển lãm, từ khắc tới tạc, từ những nét chạm trên đá tới những phù điêu - lịch sử nghệ thuật điêu khắc đá đã xuất hiện lâu đời cùng những nền văn minh cổ đại.

Có lẽ vì thế, những dấu tích nghệ thuật luôn được lưu giữ ở những thể khối đá trường tồn với thời gian. Theo dòng chảy đó, điêu khắc đá trở nên tinh luyện, tinh tế và biến chuyển dần dần về từng mạch chảy của mỗi cá nhân.

Khởi nguồn từ chính làng đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) – nơi có làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ lâu đời. Các nghệ sĩ đã sử dụng thuần túy chất liệu đá để từ đó biến hóa những mảng miếng, màu sắc, hình khối, sáng tạo tác phẩm theo phong cách thể hiện, cá tính nghệ thuật khác nhau.

Đồng thời cũng phá vỡ xu hướng chọn chất liệu quen thuộc của mỗi nghệ sĩ, tạo nên sân chơi đa dạng hóa ý tưởng, và thể hiện tính đương đại trên chất liệu của mọi thời đại.

Năm 2019, lần đầu tiên nghệ sĩ Lương Trịnh cùng một số nghệ sĩ điêu khắc đã khởi xướng một workshop “Về với đá”. Họ mong muốn sáng tạo nghệ thuật trong không gian mới, tìm kiếm chất liệu khác lạ. Năm 2020, hơn 10 nghệ sĩ lại tiếp tục quy tụ trong triển lãm “Đồng vọng Hoa Lư 2020”, gây tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật điêu khắc trong và ngoài nước.

Mặc dù, đá không phải là chất liệu mới, nhưng sự kết hợp mô hình workshop vào không gian làng nghề truyền thống lại chưa từng có. Điều này vừa thúc đẩy nghệ thuật điêu khắc có hơi thở mới, lại thúc đẩy các nghệ nhân truyền thống không ngừng tìm tòi sáng tạo trên bề mặt truyền thống mỹ nghệ.

Khác hai trại sáng tác năm 2019 và 2020, “Biến chuyển” 2021 chắt lọc hơn với chín gương mặt tài năng. Số nghệ sĩ ít hơn, nhưng quy mô và lượng tác phẩm lại dày lên. Theo nghệ sĩ Thái Nhật Minh, tiêu đề trại sáng tác lần này thể hiện mong muốn của chín thành viên.

Đó là dịch Covid-19 đã khiến xã hội và đời sống có nhiều thay đổi. Người nghệ sĩ cũng phải có sự chuyển biến nếu muốn bám sát, phản ánh mọi chuyển động cuộc sống. Cùng với đó, mỗi nghệ sĩ cũng cần có sự làm mới mình, biến chuyển bàn tay và óc thẩm mỹ.

Đến tiếng nói khác lạ

Các tác phẩm điêu khắc là kết quả từ chuỗi hoạt động lưu trú – sáng tác tại làng đá Ninh Vân.

Các tác phẩm điêu khắc là kết quả từ chuỗi hoạt động lưu trú – sáng tác tại làng đá Ninh Vân.
“Điêu khắc đương đại Việt Nam sẽ tiếp tục khác lạ, và bản thân mỗi tác giả cũng đang đặt ra những thách thức cho chính mình. Khi tôi cảm nhận những tiếng nói mới qua tác phẩm lần này, thì chính các bạn đang tạo nên nguồn năng lượng miên viễn nuôi dưỡng niềm hi vọng về toàn cảnh của điêu khắc đương đại Việt Nam”, ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà điêu khắc Lương Trịnh cho biết: “Sau mỗi trại sáng tác, các nghệ sĩ có sự giao lưu, học hỏi và thêm kinh nghiệm làm việc nhóm. Việc ăn ở cùng nhau, làm việc cùng nhau giúp mọi người dễ dàng trao đổi với nhau về ý tưởng, tay nghề.

Nhờ đó, các nghệ sĩ đã thuần thục hơn, xử lý vật liệu đá ngày càng tinh tế hơn, cho ra đời nhiều tác phẩm ưng ý và nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng và tiếp thu nhiều ý kiến hay từ các đồng nghiệp cho sáng tác của mình”.

Đá là chất liệu tĩnh vì hàm chứa trọng lượng khó có thể điều phối như sắt hay gỗ. Vậy làm sao để các nghệ sĩ khiến đá biến chuyển động đậy để trở thành tác phẩm kỳ ảo? Trước khi làm một tác phẩm, họ phải lên ý tưởng phác thảo bằng đất sét.

Sau đó mới là phóng hình, cắt đá và đục thô, đục tinh, cuối cùng là mài nhẵn để hoàn thiện. Đá có rất nhiều loại với màu sắc, đặc tính tự nhiên khác nhau, nhưng các nghệ sĩ lựa chọn đá vàng, đá trắng hoặc đá đen.

Nếu nữ điêu khắc Lê Thị Hiền vẫn say mê với những khối hình học cơ bản và cách những khối hình này kết hợp với nhau, thì tác giả Lê Lạng Lương mang đến chuỗi tác phẩm cổng trời. Qua những khối hình vừa mang bóng con người lại đầy tính trừu tượng mơ hồ, đã kích thích sự nghiền ngẫm, tò mò từ công chúng.

“Đá tưởng chừng là chất liệu tĩnh và khô cứng, nhưng tôi lại muốn gợi cho người xem cảm được cái “động”, cái mềm mại của từng chút đưa đẩy, từng chút chuyển dịch vi diệu qua sự lồi ra, lõm vào của những khối hình góc cạnh ấy”, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền cho hay.

Giám tuyển Khổng Đỗ Tuyền cho rằng: “Sự tiếp biến nghệ thuật mang tâm tư của nhóm các nghệ sĩ điêu khắc luôn hướng về quê hương, cội nguồn – nơi biết bao thế hệ nghệ nhân tinh hoa đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật được lưu giữ trên khắp mọi miền đất nước”.

Điêu khắc đá chưa hề “lép vế” trước các loại hình nghệ thuật khác. Tuy vậy, trong tình hình đại dịch cản bước mọi nỗ lực sáng tạo, thì chín nghệ sĩ đã phải rất nghiêm ngặt trong việc thực thi nhằm để “Biến chuyển” đến với công chúng.

Bởi vậy, các nghệ sĩ cũng khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện 5K khi tham gia triển lãm, cũng là để công cuộc phòng chống dịch Covid-19 có biến chuyển tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.