Đối thoại “4 chiều” với điêu khắc đương đại

GD&TĐ - Triển lãm “Lần trong/Nằm giữa/Vùi dưới/Lộ trên” đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory được ví như cuộc đối thoại “4 chiều” của điêu khắc với những thành tố tạo nên nghệ thuật.

Toàn cảnh triển lãm “Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên”.
Toàn cảnh triển lãm “Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên”.

Mặc dù triển lãm kéo dài đến ngày 6/6, nhưng công chúng yêu mến nghệ thuật điêu khắc đã tề tựu khá đông tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, số 15 Nguyễn Ư Dĩ (Thảo Điền, Q.2, TPHCM) để tận mắt thấy và đối thoại với những tác phẩm được coi là đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc đương đại.

Đối thoại cùng điêu khắc

Dựa trên bối cảnh hiện tại, khi nói về điêu khắc, người ta vẫn thường nghĩ ngay tới tượng thờ, tượng Phật trong đình, chùa; hay tới những tượng đài lịch sử thấm đượm phong cách hiện thực xã hội. Nếu là công trình trang trí ngoài trời, thì quan niệm vẫn chú ý trọng tâm hình thức hoành tráng của các trường phái mỹ thuật nước ngoài.

“Lần trong/Nằm giữa/Vùi dưới/Lộ trên” lại không cho công chúng biết vị trí của một vật hay một người, mà điều hướng ánh mắt đến thực thể nghệ thuật. Không gian của triển lãm cùng các chiến lược trưng bày đi kèm đã được sắp đặt và thiết kế, cốt để khơi gợi mối tương quan giữa các tác phẩm.

Đồng thời cũng là để khai mở mối quan hệ giữa các thành tố của tác phẩm, với sự tương tác của chuỗi thành tố đó với tổng thể triển lãm.

Richard Streitmatter - Trần chú ý đến những chất liệu mang tính mong manh và không cố định, bền chặt.

Anh làm một mái nhà bằng bánh tráng đặt tên là “Cổng trời”, ba tượng đài bằng đất sét mang tên là “Thăng thiên”, và một ngôi đền Chăm bằng xốp cách nhiệt. Đều hướng tới những hình tượng mang ẩn ý trường đoạn lịch sử, văn hóa nhưng các tác phẩm vốn chỉ có thể tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. 

Sự lai tạp này được tác giả ví von rất thú vị: Giả như trong tương lai có một nhà khảo cổ đào sâu vào lớp đất, họ sẽ thấy di tích đền đài của muôn ngàn năm trước xen lẫn rác thải của con người hôm nay. Ngày nào đó, vi nhựa cũng trở thành tầng hiện vật khảo cổ.

Lê Hiền Minh có đến 20 năm làm việc với giấy dó. Bộ tượng điêu khắc giấy dó trưng bày tại triển lãm dường như là sự kết hợp, nâng cấp từ hai tác phẩm đã được nghệ sĩ trưng bày tại Nhật Bản và Đức.

Ba bức tượng nửa cổ nửa hiện đại Mẫu Vòng Lặp, Mẫu Bất Tận, Mẫu Giống Nòi được đặt lần lượt trên máy giặt, bàn rửa chén và giường biểu thị sự phản kháng sâu sắc của tác giả với cái gọi là lao động nội trợ - vốn gắn với hình ảnh phụ nữ.

Lời tuyên chiến này được đưa ra cùng 5 câu hỏi: Phụ nữ là ai?/ Phụ nữ là gì?/Phụ nữ ở đâu?/Tại sao là phụ nữ?/Khi nào là phụ nữ? Người xem được trao mảnh giấy để viết câu trả lời. Câu hỏi, nhưng thực chất là một vế của cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ với công chúng, và giữa công chúng với tác phẩm.

Năm 2016, cũng với những câu hỏi này, tác giả nhận được một phản hồi từ người xem: “Nhiệm vụ lớn nhất của phụ nữ là sinh một đứa con trai”. Dòng chữ khiêu khích trên đã vấp phải phản ứng từ những người xem khác. Không bàn về tính đúng sai của luận điểm, các câu hỏi trên đã trở thành không gian đối thoại, tạo nên tính “sống” cho tác phẩm nghệ thuật.

Thảo Nguyên Phan, tác giả còn lại trong triển lãm, đã tạo nên một sự kết hợp mê hoặc với tác phẩm của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị (1920 - 2002). Với nền móng “7 mô-đun” hình học tối giản, nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đã tạo ra hàng loạt tác phẩm đa dạng. 

Được truyền cảm hứng từ ý tưởng này, Thảo Nguyên Phan tái diễn giải văn học dân gian Việt Nam qua hệ thống thanh điệu, dấu phụ (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, dấu mũ, dấu móc).

Sự biến thiên của chữ cái, thanh sắc đặt nền tảng cho vô số các văn bản qua thời gian. Bảy tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị được đặt trên bảy điêu khắc của Thảo Nguyên Phan tạo thành thể kết nối, sự tri âm giữa hai thế hệ.

Tác phẩm của Lê Minh Hiền với 5 câu hỏi.
Tác phẩm của Lê Minh Hiền với 5 câu hỏi. 

Nghệ thuật thích ứng với Covid-19

“Lần trong/Nằm giữa/Vùi dưới/Lộ trên” mời gọi công chúng tham gia vào câu đố thời gian được ba nghệ sĩ lắp ghép với những tác phẩm lai tạo. Đồng thời, triển lãm thách thức người xem khám phá các chiều âm - dương, trong - giữa - dưới - trên của điêu khắc hòng đặt chân vào thế giới suy tư của nghệ sĩ, tạo nên sự chuyển động liên tục từ tác phẩm đến đời sống đương đại.

Song hành với “Lần trong/Nằm giữa/Vùi dưới/Lộ trên” là triển lãm “Nhà: Soi tâm để tiếp bước” được thai nghén từ hồi tháng 3/2020, khi Việt Nam và thế giới bước vào giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh này, The Factory tự đặt câu hỏi chúng ta là ai? Chúng ta đóng vai trò gì và ở đâu – khi các ý tưởng có thể được cập bến, tập hợp và chia sẻ trong một không gian nghệ thuật là nhà của mỗi người. Tại sao không nhân cơ hội này, để có thể duy trì vai trò của những “người gìn giữ kí ức”?

Được truyền cảm hứng từ những bức vẽ dí dỏm của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương – người đã phủ lên một số tác phẩm kinh điển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam với ánh nhìn hài hước của “thời đại vi-rút”. Các nghệ sĩ của The Factory đã bước vào hành trình về “nhà” và mời các nghệ sĩ khác cùng tham gia chia sẻ những suy nghĩ của họ về một thời đại mới mang tính giãn cách và cách ly xã hội.

Triển lãm “Nhà: Soi tâm để tiếp bước” giới thiệu các tác phẩm đa dạng về chất liệu, từ hội hoạ, video, sắp đặt, thơ; tới các chia sẻ. Lời thì thầm, cũng là lời đối thoại với thông điệp hãy mạnh mẽ sáng tạo, khéo léo thích ứng với đại dịch Covid-19. Nếu không, nghệ thuật sẽ bị chính Covid-19 “ăn mòn” sức sáng tạo và cái đẹp vốn có.

The Factory đề cao sự thích nghi của nghệ thuật và cách truyền bá nghệ thuật trong thời dịch Covid-19. Khi chúng ta không thể ra ngoài, không có nghĩa nghệ thuật “tắt lửa”. Nghệ thuật có thể được sáng tạo, được sưởi ấm giữa ngôi nhà của mỗi người. Chừng nào ngọn lửa nghệ thuật chưa tắt, chừng ấy thế giới còn ánh sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.