Cứu trợ chuyên nghiệp

GD&TĐ - Chỉ trong tháng 10, miền Trung trải qua ba đợt lũ, bốn cơn bão, hàng loạt vụ sạt lở đất làm 159 người chết, 71 người mất tích.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Tinh thần tương thân tương ái của người dân mọi miền đất nước hướng về đồng bào gặp thiên tai trong những ngày qua thật sự gây xúc động.

Không chỉ ca sỹ Thủy Tiên và nhiều người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội mà còn có hàng trăm, hàng nghìn cá nhân, hội, nhóm“online”, “offline”… khác ngay lập tức vào cuộc hỗ trợ đồng bào. 

Bên cạnh điều đáng mừng ấy đã xuất hiện một số “lùm xùm” quanh chuyện  triển khai cứu trợ bà con miền Trung. Như ca sỹ Thủy Tiên, dù huy động được nguồn lực lớn, bỏ công sức trao tận tay người dân, tấm lòng vô cùng đáng quý trọng… cũng đã vướng phải dư luận nhiều chiều trong từng câu chuyện, từng hoàn cảnh cụ thể. 

Thực sự rất khó tránh khỏi những lời bàn ra tán vào trong chuyện cứu trợ. Một phần bởi sự đời chín người có tới mười ý. Ở một chiều cạnh khác, dù Thủy Tiên hay các nhóm, hội cứu trợ “tự phát” khác có nỗ lực tới đâu chăng nữa cũng không thể kiểm soát được toàn bộ tình hình và né hết được những tình huống nhạy cảm, dễ gây tranh luận.

Đơn giản nhất là bảo đảm an toàn cho bản thân trong lúc tham gia cứu trợ; rồi quá trình mua sắm, vận chuyển, phân phát lượng hàng lớn vào vùng cứu trợ… - điều gì sẽ xảy ra nếu vì thiếu sót mà một khoản tiền nào đó không được ghi nhận, một món hàng nào đó không được đưa đến đúng địa chỉ?

Có thể họ sẽ hoàn toàn chú tâm tới việc mình làm và thực sự không quan tâm đến những lời thị phi, song những ồn ào vừa qua cho thấy bên cạnh các nhóm, hội cứu trợ “nghiệp dư” thì tổ chức làm cứu trợ, làm công việc hỗ trợ cộng đồng một cách chuyên nghiệp cũng quan trọng không kém.

Nếu chuyên nghiệp, tổ chức cứu trợ ấy sẽ nắm bắt được nhu cầu hỗ trợ trước mắt của những cộng đồng bị lũ lụt, thiên tai tàn phá không dừng lại ở thùng mì, gói bánh, nước uống mà còn là những vật dụng “tế nhị” nhưng vô cùng cần thiết cho phụ nữ như băng vệ sinh, quần lót giấy, nước rửa vệ sinh…

Nếu chuyên nghiệp, tổ chức cứu trợ ấy sẽ hiểu người dân không chỉ cần “no bụng” lúc nước còn chưa rút mưa còn chưa tan, mà còn rất nhiều vấn đề đặt ra sau lũ, liên quan đến nguồn lực để người dân duy trì cuộc sống, để trở lại việc sản xuất, làm ăn, buôn bán về sau - sự hỗ trợ lâu dài như thế này là việc các nhóm nghiệp dư thường không có khả năng thực hiện.

Nếu chuyên nghiệp, tổ chức cứu trợ được phép có chi phí quản lý, vận hành những hoạt động cứu trợ, từ thiện bài bản, khoa học và minh bạch tài chính là khâu bắt buộc.

Vốn xã hội là thứ tài sản đáng quý và đã có từ lâu của dân tộc, mà tấm lòng tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách thể hiện trong đợt lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung một lần nữa là minh chứng. Tinh thần ấy lại được tiếp sức bởi khối lượng của cải vật chất tích lũy được qua 30 năm đổi mới.

Vấn đề là làm thế nào để có ngày một nhiều những tổ chức phi lợi nhuận, làm cứu trợ, làm công việc hỗ trợ cộng đồng chuyên nghiệp và không chỉ giới hạn trong trường hợp cứu trợ thiên tai mà còn trải rộng trong hầu hết các dịch vụ xã hội khác: Từ bảo vệ và xử lý các sự cố môi trường; hỗ trợ các nhóm yếu thế và thiệt thòi trong xã hội như người khuyết tật, trẻ em đường phố, phụ nữ bị bạo hành?

Phải chăng, khung khổ pháp luật của chúng ta vẫn chưa đủ tính khuyến khích cho những tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp ra đời và hoạt động? Những câu hỏi này đặt ra từ nhiều năm nay – vẫn đang đợi nhà quản lý phải sớm trả lời!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...